Chuyển đến nội dung
Diễn đàn CADViet

N6310i

Vip
  • Số lượng nội dung

    88
  • Đã tham gia

  • Lần ghé thăm cuối

  • Ngày trúng

    2

Bài đăng được đăng bởi N6310i


  1. Tóm lại, sau khi đã nhìn qua địa thế, cũng như lịch sử của thành phố, ta thấy do vị trí tọa lạc sai lệch, Sài Gòn đã bỏ mất nhiều cơ hội để phát triển lên thật hùng mạnh, sung túc. Ðã thế lại còn bị khúc sông Sài Gòn chém tới, khiến cho tai họa thường xảy đến dồn dập, chẳng những trong các Vận xấu mà ngay cả trong các Vận được coi là tốt đẹp. Ðúng ra, nếu nằm trong vị trí của chân long (tức khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn), Vận 1 sẽ là giai đoạn cực thịnh của thành phố. Vào lúc đó, Sài Gòn sẽ có được những lãnh tụ tài ba (do mạch Trường Sơn ở phía Bắc đâm xuống), đồng thời cũng trở nên thịnh vượng, sung túc không thể diễn tả (do vượng khí từ cửa sông Sài Gòn và vùng biển mênh mông nơi phía Nam đưa tới). Ðàng này vì nằm trong vùng đất hộ sa, nên chỉ được mấy ông quan Pháp tới, thay đổi được một vài luật lệ và chính sách quá lỗi thời và khắc nghiệt. Bước sang Vận 2, mặc dù Sài Gòn bị thế "Phục Ngâm" của sông Vàm Cỏ và sông Cửu Long ở phía Tây Nam, nên mức độ thịnh đạt không còn được như trước. Nhưng con sông Ðồng Nai bắt nguồn từ phía Ðông Bắc lại là "Chính Thủy" vẫn sẽ đem vượng khí đến cho Sài Gòn, nên những nền tảng kinh tế, thương mại của thành phố vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Qua các Vận 3 và 4, thế "Phục Ngâm" của biển Ðông ở phía Ðông và Ðông Nam đã bị những nhánh núi của mạch Trường Sơn tiến ra ngăn cản nhiều, không còn gây ra những tai họa lớn. Chẳng những thế, nếu Sài Gòn nằm tại chân long, thì con sông Sài Gòn lại thuộc về phía Tây và Tây Bắc của thành phố, nên sẽ tiếp tục đem vượng khí đến. Nhất là trong Vận 3, khúc sông Sài Gòn uốn lượn, ôm ấp lấy khu vực Thủ Thiêm, nguyên khí tích tụ vô cùng sung mãn, nên sẽ đem lại cho thành phố một giai đoạn hưng vượng đến cực độ lần thứ hai. Còn đối với vị trí hiện tại, thì 2 con sông Ðồng Nai lẫn Sài Gòn đều nằm tại phía Ðông của thành phố, rồi khúc sông Sài Gòn cũng từ phía Ðông chém tới. Bởi thế cho nên vận khí của Sài Gòn trong những giai đoạn này đều quá suy nhược, không sao có thể vươn lên mạnh mẽ được, lại còn dễ xảy ra những vụ xung đột, chém giết làm náo loạn cả thành phố.

     

    Riêng Vận 5 là một giai đoạn đặc biệt, vì đây là lúc Sài Gòn đắc cách Long-Hổ hộ vệ, Huyền vũ che chở, vượng khí của cả miền Nam đều hội tụ về đây. Ðúng ra phải là một giai đoạn cực thịnh không thể diễn tả, với đầy đủ chúa thánh, tôi hiền để cai trị, dẫn dắt muôn dân. Tiếc rằng chỉ vì Sài Gòn nằm trong vùng đất hộ sa, không phải là nơi có thể kết tụ được nguyên khí, nên chỉ như ngọn lửa bùng lên giữa đêm đông rồi chợt tắt. Ðã thế lại còn bị khúc sông Sài Gòn ở ngay bên chém tới là một điều tối nguy hiểm, vì nó không những thường xuyên gây ra nhiều tai họa cho thành phố, mà trong Vận 5, mức độ độc hại của nó lại càng tăng thêm gấp bội. Bởi thế nên trong giai đoạn này, Sài Gòn chẳng những sẽ gặp cảnh chiến tranh, loạn lạc, mà ngay cả những người lãnh đạo nơi đây cũng dễ bị hung tử. Ngược lại, nếu như thành phố Sài Gòn nằm tại chân long, thì chẳng những sẽ tránh được họa chiến tranh, mà còn trở nên một thành phố hùng cường và thịnh vượng bậc nhất trong khu vực Ðông Nam Á Châu cũng như trên thế giới.

     

    Bước qua Vận 6, vì khu vực phía Tây Bắc là thượng nguồn của con sông Sài Gòn, nên dù nằm ở vị trí nào thì Sài Gòn cũng sẽ bị chiến tranh rất lâu dài đe dọa. Nhưng nếu nằm ở vị trí hiện tại thì do nguyên khí của thành phố quá yếu, nên nếu không may gặp phải một quốc gia đối địch có nguyên khí của thủ đô mạnh hơn thì Sài Gòn sẽ dễ lãnh lấy phần chiến bại. Còn nếu nằm trong khu vực của chân long thì khó có quốc gia nào có thể đánh bại được Sài Gòn, vì nguyên khí ở đây đã quá đầy đủ, sung mãn, nên dù gặp sát khí chiếu đến cũng khó lòng mà bị suy sụp hoàn toàn được.

     

    Rồi đến Vận 7 là thời gian hòa bình, an cư lạc nghiệp của Sài Gòn, nhưng nếu nằm ở vị trí hiện tại thì tuy được cả 2 con sông Ðồng Nai và Sài Gòn cùng nằm ở phía Ðông chiếu tới (tức là được "Chính Thủy"). Nhưng vì bị khúc sông Sài Gòn chém vào nên mặc dù cũng được yên ổn làm ăn, nhưng những tệ nạn xã hội như trộm cắp, đĩ điếm thường lan tràn. Ngoài ra, cũng vì lý do đó, cộng với vấn đề nằm trong vùng hộ sa, nên dù có được một giai đoạn hòa bình khá lâu dài, Sài Gòn vẫn không sao trở thành một trung tâm kinh tế và mậu định tiên tiến cũng như hùng cường được. Còn nếu như nằm trong khu vực của chân long, thì mặc dù sẽ bị một số biến động (như chiến tranh hoặc trì trệ kinh tế...), do con sông Sài Gòn lúc đó lại nằm ở phía Tây tức bị Phục Ngâm, đem sát khí đến cho thành phố. Nhưng vì con sông Ðồng Nai vẫn nằm ở phía Ðông, đem vượng khí đến với Sài Gòn, nên rồi thành phố sẽ vượt qua được mọi khó khăn để tiếp tục phát triển, vươn lên.

     

    Qua Vận 8, thượng nguồn của sông Ðồng Nai ở phía Ðông Bắc là sát khí, nên dù nằm ở vị trí nào Sài Gòn cũng sẽ có chiến tranh, loạn lạc. Nhưng nếu nằm ở khu vực hiện tại thì còn bị thêm con sông Sài Gòn cũng đi qua khu vực phía Ðông Bắc nữa, khiến cho sát khí trùng trùng, nên mới bị đại họa thê thảm như sau vụ khởi nghĩa của Lê văn Khôi trước đây. Còn nếu dời vào khu vực giữa 2 con sông thì chỉ còn sát khí của sông Ðồng Nai, nên tuy vẫn bị chiến tranh, nhưng do nguyên khí còn vượng, nên dù gặp nhiều cơn sóng gió Sài Gòn vẫn chưa bị suy tàn hẳn.

     

    Ðến Vận 9 mới là thời kỳ tàn tạ, vì cửa sông Sài Gòn và vùng biển nơi phía Nam lúc đó sẽ đem đến sát khí quá nặng, nên dù tọa lạc ở khu vực nào, Sài Gòn cũng đều bị thảm họa chiến tranh. Nhưng nếu nằm ở khu vực hiện tại, Sài gòn còn bị khúc sông chém vào, vận khí của thành phố sẽ quá kiệt quệ, nên việc suy vong, mất nước, phải làm nô lệ cho người là điều chắc chắn. Nếu đọc kỹ lịch sử, chúng ta sẽ thấy khi chúa Nguyễn chiếm Sài Gòn, hay khi Pháp hạ thành Gia Ðịnh đều xảy ra trong Vận 9. Ngược lại, nếu được dời vào khu vực của chân long, thì mặc dù lúc đó Sài gòn cũng rất yếu ớt, lại không có được lãnh tụ tài ba nên khi có chiến tranh sẽ không thể cản được bước tiến của giặc thù. Nhưng rồi chẳng bao lâu, tinh thần quật khởi của Sài Gòn lại bộc phát, để đến khi bước vào Vận 1 Thượng Nguyên thì sẽ có vĩ nhân xuất hiện đem lại cảnh thanh bình và vinh quang đến cho thành phố, cũng như cho đất nước, dân tộc.

    (còn tiếp)

    • Vote tăng 1

  2. Về lịch sử Sài Gòn thì cách đây hơn 300 năm, thành phố này còn nằm dưới quyền cai trị của nước Chân Lạp (tức Cam Bốt bây giờ). Ðến năm 1674, vào khoảng giữa Vận 9 Hạ Nguyên, chúa Nguyễn mới đem quân đánh chiếm khu vực này, rồi bắt đầu cho di dân tới, lập doanh trại và đồn điền để khai thác. Nhờ đất đai màu mỡ, lại nằm gần sông, biển, nên Sài Gòn ngày càng trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Nam. Vào năm 1773, thành Sài Gòn được xây dựng lại cho thêm rộng lớn và kiên cố, từ đó biến thành một trong những đô thị lớn nhất trên đất nước ta, lúc đó đang ở trong Vận 5 Trung Nguyên. Nhưng công việc xây dựng vừa hoàn tất thì những biến động chính trị trong nước cũng bắt đầu xảy ra, đưa đẩy vùng đất hiền lành, yên tĩnh này vào vòng khói lửa.

     

    Cũng trong năm 1773, anh, em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ phát động phong trào nổi dậy ở vùng Tây Sơn (thuộc tỉnh Quy Nhơn), chống phá lại chế độ tham nhũng, thối nát của triều đình chúa Nguyễn. Cùng lúc đó, quân Trịnh ở phía Bắc tràn xuống, đánh chiếm được vùng Thuận Hóa (tức Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ), rồi uy hiếp Phú Xuân. Trước tình hình đó, chúa Nguyễn buộc phải lui về Quảng Nam, rồi sau lại chạy vào Gia Ðịnh (Sài Gòn) để luyện binh, tuyển tướng, mưu đồ khôi phục sự nghiệp.

     

    Vào năm 1775, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh Sài Gòn, khiến cho chúa Nguyễn phải chạy về Biên Hòa, nhưng sau nhờ có Ðỗ thành Nhân đem quân đến giúp, chúa Nguyễn lại chiếm được thành phố này.

     

    Năm 1777, cũng trong Vận 5, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ đem quân vào Nam, bình định được thành Gia Ðịnh, bắt được chúa Nguyễn rồi giết đi, nhưng có người cháu là Nguyễn Ánh trốn thoát được sang Thái Lan. Rồi chờ đến khi Nguyễn Huệ đã bỏ về Quy Nhơn thì lại đem quân về khôi phục đất Gia Ðịnh.

     

    Ðầu năm 1782, Nguyễn Huệ lại trở vào Nam, đánh bại Nguyễn Ánh tại đất Gia Ðịnh và cửa sông Sài Gòn, rồi rượt đuổi ra tới Phú quốc. Nhưng khi Nguyễn Huệ vừa quay về Quy Nhơn thì Nguyễn Ánh cũng từ Phú quốc trở lại tái chiếm thành Gia Ðịnh.Vào năm 1783, tức năm cuối cùng của Vận 5, Nguyễn Huệ lại mang quân vào, đại phá quân Nguyễn Ánh tại cửa sông Sài Gòn. Sau trận ác chiến này, Nguyễn Ánh đã sức cùng, lực kiệt nên liền sang Thái-lan cầu viện. Nhưng đạo quân cướp nước này vừa đi đến Ðịnh-tường thì bị Nguyễn Huệ chận đánh tan tành, khiến cho Nguyễn Ánh phải chạy sang Thái-lan nương náu.

     

    Mãi đến năm 1787, đầu Vận 6, nhân lúc Nguyễn Huệ đang lo đối phó với tình hình hỗn loạn trên đất Bắc, Nguyễn Ánh mới bí mật trở về Long -xuyên, dần dần phát triển lại thế lực. Cuối năm đó, Nguyễn Ánh dốc toàn lực tấn công thành Gia Ðịnh, nhưng vì tướng Tây Sơn là Phạm văn Tham quyết chiến giữ thành, nên phải sau 10 tháng công phá, thành Gia Ðịnh mới bị hạ.

     

    Kể từ lúc đó, Sài Gòn mới tạm thời không còn nhìn thấy cảnh binh đao, chém giết, nhưng bầu không khí vẫn nặng nề vì cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục diễn ra. Cũng may cho Nguyễn Ánh là trong lần đọ sức này, tuy vận khí của Sài Gòn rất xấu (Vận 6), nhưng vận khí của Huế còn tệ hại hơn nhiều. Bởi thế nên sau nhiều chiến dịch hành quân vất vả, cuối cùng Nguyễn Ánh cũng diệt được nhà Tây Sơn và lập ra nhà Nguyễn vào năm 1802, lúc đó đã vào cuối Vận 6.

     

    Sau cuộc chiến tranh này, Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long) chọn kinh đô là Phú Xuân, để Lê văn Duyệt ở lại trấn thủ Sài Gòn. Trong thời gian Lê văn Duyệt cai quản (từ năm 1802 đến 1833, tức là từ cuối Vận 6 đi qua hết Vận 7 sang đến giữa Vận , Sài Gòn được yên ổn làm ăn, nên dần dần cũng được trở lên khá sung túc. Nhưng sau khi ông qua đời, triều đình nhà Nguyễn lại khép ông vào tội phản nghịch, rồi cho lùng bắt cả dòng họ, quyến tộc, khiến cho người con nuôi của ông là Lê văn Khôi phải nổi lên chống lại. Cũng trong năm 1833, Khôi nổi lên giết quan Tổng trấn Gia Ðịnh, tự xưng là Ðại Nguyên soái, rồi đem quân đi chiếm trọn Nam kỳ. Sau triều đình phải dốc toàn lực đánh dẹp, Khôi bị yếu thế nên rút về thành Gia Ðịnh (lúc đó đổi tên là Phiên-an) cố thủ, mãi đến năm 1835 thì thành mới bị hạ. Sau khi chiếm được thành, quan quân xông vào chém giết thẳng tay, bất kể đàn bà, con nít, gây nên một cuộc thảm sát dã man hiếm có trong lịch sử dân tộc. Rồi thành Gia Ðịnh bị san thành bình địa, những cuộc truy nã, bắt bớ tiếp tục diễn ra, những luật lệ khắt khe được đem ra áp dụng, khiến cho thành phố Sài Gòn chưa kịp vươn lên đã bị tàn lụi, suy sụp hẳn.

     

    Sau biến cố Lê văn Khôi, tình hình của Sài Gòn tạm thời lắng đọng xuống, tuy rằng những cuộc xung đột với Thái Lan và Cam Bốt vẫn tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, triều đình nhà Nguyễn ngày một yếu hèn, suy nhược, khiến cho thực dân Pháp bắt đầu dòm ngó nước ta, rồi cuối cùng trắng trợn tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược. Vào năm 1859, khi quân Pháp nổ súng tấn công và đánh chiếm được thành Sài Gòn thì lúc đó cũng đang trong Vận 9 Hạ Nguyên. Liên tiếp trong hơn 2 năm trời, triều đình nhà Nguyễn huy động đại quân vào Nam, cố sức đánh phá để lấy lại Sài Gòn nhưng không có kết quả. Sang năm 1861, cũng vẫn trong Vận 9, Pháp mở cuộc tấn công đánh tan lực lượng quân sự nhà Nguyễn tại đồn Kỳ Hòa (thuộc khu Gia Ðịnh bây giờ), rồi thừa thắng tung quân đánh chiếm toàn thể Nam kỳ. Mặc dù gặp phải những cuộc chống phá rất quyết liệt, nhưng đến năm 1868, khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn trung Trực bị dập tắt, Pháp đã hoàn toàn bình định được miền Nam, lúc đó đã bước sang Vận 1 Thượng Nguyên. Rồi Pháp bắt đầu thiết lập hệ thống hành chánh, cai trị, biến miền Nam thành thuộc địa, thay đổi một số luật lệ, mở mang một vài lãnh vực về kinh tế và thương mại. Kể từ đó, tình hình của Sài Gòn trở nên lắng đọng hẳn, tuy đôi lúc cũng có một vài tổ chức, phong trào chống Pháp nổi lên, nhưng đa số đều có tính cách ôn hòa, và cũng không làm được gì đáng kể. Mãi đến khi bước vào Vận 5 (1944), tinh thần quật khởi của Sài Gòn mới bắt đầu bộc phát trở lại, dẫn đến cao trào cách mạng 1945 lật đổ nền đô hộ của thực dân Pháp. Nhưng liền sau đó, Pháp quay trở lại tái chiếm Sài Gòn, mở màn cho cuộc chiến tranh khốc liệt từ Bắc vào Nam trong suốt 9 năm trời, đến khi bị đại bại ở Ðiện biên Phủ (1954) mới chịu rút chân ra khỏi Việt Nam.

     

    Khi hiệp định Geneve năm 1954 chia cắt đất nước thành 2 miền, Tổng thống Ngô đình Diệm về Sài Gòn thành lập chính phủ tự do để quản trị miền Nam, lúc đó đang là giữa Vận 5 Trung Nguyên. Nhưng ngay từ bước đầu, ông đã gặp phải sự chống đối dữ dội của các phe phái Bình Xuyên, Cao Ðài, khiến cho chiến sự lại xảy ra ngay trong giữa thành phố Sài Gòn. Ðến khi những vụ phiến loạn này vừa được dẹp yên thì lại xảy ra cuộc đàn áp Phật giáo, giữa lúc cuộc chiến tranh với Cộng sản ở miền Nam ngày càng lan rộng, tạo nên một bầu không khí hoang mang, hỗn loạn cho Sài Gòn. Ðến năm 1963, tức là năm cuối cùng của Vận 5 thì Tổng thống Ngô đình Diệm bị các tướng lãnh miền Nam lật đổ rồi hạ sát.

     

    Sau cuộc chính biến này, tình hình ở Sài Gòn (và miền Nam nói chung) vẫn không có gì sáng sủa, trái lại càng rối loạn hơn vì các tướng lãnh tiếp tục tranh giành địa vị, khiến cho những cuộc đảo chánh liên tiếp xảy ra. Phải đến năm 1967, khi quyền hành đã lọt hết vào tay Tổng thống Nguyễn văn Thiệu thì tình hình chính trị của miền Nam mới tạm yên. Nhưng lúc đó cũng đã vào đầu Vận 6, cuộc chiến tranh với Cộng sản lại trở nên ác liệt hơn bao giờ hết, với những chiến dịch và những trận đánh quy mô mỗi lúc một diễn ra nhiều hơn.

     

    Vào năm 1968, Cộng sản mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, đánh phá Sài Gòn và các thành phố trên toàn miền Nam. Phải sau nhiều đợt phản công rất quyết liệt, quân Cộng sản mới bị đẩy lui và nền an ninh của miền Nam (cũng như Sài Gòn) mới được tái lập.

     

    Bốn năm sau, vào năm 1972, Hà Nội lại mở cuộc tổng tấn công đại quy mô suốt từ Quảng Trị vào tới Bình Long, đe dọa nghiêm trọng sự sống còn của thủ đô Sài Gòn. Mặc dù sau những trận chiến vô cùng ác liệt, quân đội miền Bắc lại bị đẩy lui và miền Nam vẫn được giữ vững, nhưng cũng từ đó, chính phủ Sài Gòn ngày một suy yếu. Ðến khi Cộng sản mở cuộc tổng tấn công lần thứ 3 vào đầu năm 1975 thì Sài Gòn cũng như thể chế chính trị của miền Nam liền bị sụp đổ một cách nhanh chóng.

     

    Nhưng khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng vừa chấm dứt, thì cuộc chiến tranh với Cam Bốt, rồi Trung Cộng lại diễn ra, khiến cho bầu không khí của Sài Gòn vẫn tiếp tục căng thẳng, ngột ngạt. Phải đến khi bước sang Vận 7 (1984 - 2003), thì Sài Gòn mới thực sự được quay về với cảnh thanh bình, yên ổn làm ăn, nhưng sự thịnh vượng vẫn chỉ rất hạn hẹp, tương đối, chứ không sao vươn mình lên được với cộng đồng thế giới. Hiện tại (2002) đang là giai đoạn cuối cùng của Vận 7, chỉ sợ rằng khi bước qua vận 8, Sài Gòn sẽ lại gặp phải những cuộc binh đao, chếm giết đổ máu khác.

    (còn tiếp)

    • Vote tăng 1

  3. Đến Sài Gòn - Gia Định:

    Bản Ðồ Sài Gòn

     

     

    3/ SÀI GÒN:là thành phố nằm ngay bên phải bờ sông Sài Gòn, con sông này bắt nguồn từ tỉnh Tây Ninh ở phía Tây Bắc rồi chảy xuống, đi ngang qua khu vực phía Bắc của Sài Gòn rồi uốn lượn qua phía Ðông của thành phố, sau đó nhập với sông Ðồng Nai từ phía Bắc chảy xuống rồi đổ ra biển nơi phía Nam. Sài Gòn nằm giữa một khoảng bình nguyên (đất bằng) rộng lớn, xa xa nơi phía Bắc và Ðông Bắc, tại các tỉnh Quảng Ðức, Lâm Ðồng là phần cuối của dãy Trường Sơn hướng tới. Rồi nơi phía Tây Bắc tại tỉnh Tây Ninh cũng có dãy núi Bà Ðen, nơi phía Ðông Nam là khu núi Vũng Tàu, cả hai đều là dư khí của dãy Trường Sơn còn sót lại. Nằm ở khu vực phía Nam và Tây Nam Sài Gòn là các sông Vàm Cỏ, xa hơn nữa là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 2 con sông Tiền Giang và Hậu Giang.

     

    Với địa thế núi, sông bao bọc như trên, ta thấy Sài Gòn có nhiều điểm đặc biệt, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế và chính trị quan trọng bậc nhất trên đất nước ta. Trước hết là mạch Trường Sơn chấm dứt từ tận Quảng Ðức, Lâm Ðồng, tạo ra cái thế Huyền vũ che chở cho sau lưng Sài Gòn, nhưng lại không tiến đến quá gần để trở thành cái thế đe dọa hoặc lấn áp thành phố này, mà chừa cho Sài Gòn một khoảng trống rộng lớn để hấp thu hết vượng khí của toàn bộ miền Nam Việt Nam. Rồi đến núi Bà Ðen ở Tây Ninh và vùng núi ở Vũng Tàu tạo thành thế tả, hữu long, hổ để hộ vệ Sài Gòn. Nhưng một điểm hay là vì núi Bà Ðen (hữu Bạch hổ) lại cao hơn núi Vũng Tàu (tả Thanh long). Nên khi nằm lệch về phía Vũng Tàu, Sài Gòn đã tạo thành thế long-hổ quân bình, khiến cho nền kinh tế của thành phố bao giờ cũng sung túc. Nếu như Sài Gòn nằm lệch về phía núi Bà Ðen nhiều hơn, tình trạng kinh tế sẽ rất nghèo nàn, bi đát, vì sát khí của Bạch hổ sẽ lấn át Thanh long và làm lụn bại thành phố. Phía trước mặt của Sài Gòn là Long-an và vùng đồng bằng sông Cửu Long, một bình nguyên rộng lớn với những con sông hàng hàng, lớp lớp chảy qua, khiến cho vượng khí vô biên, thần lực miên man, bất tận. Ðó là chưa kể thương cảng Sài Gòn còn có mũi Vũng Tàu nằm ở bên ngoài hộ vệ, nên xứng đáng là một trung tâm quyền lực quan trọng về kinh tế và chính trị. Nếu còn được thêm một mũi đất nữa nhô ra ở cửa Ðại (thuộc sông Tiền Giang, trong tỉnh Bến Tre) để tạo thành đầy đủ thế tả, hữu hộ vệ nơi cửa biển thì uy lực của Sài Gòn sẽ còn tăng lên gấp bội. Ngoài ra, con sông Sài Gòn khi đến gần thành phố lại uốn lượn thành nhiều khúc, rồi sau khi đi qua còn quay đầu nhìn lại tới 2 lần (2 khúc sông uốn cong trở lại) rồi mới đổ ra biển. Ðây chẳng những là một cảnh sông nước hữu tình, mà còn tạo cho Sài Gòn một sự phồn thịnh, sung túc đến nỗi không một thành phố nào trên toàn cõi Việt Nam cũng như khắp vùng Ðông Nam Á có thể so sánh được.

     

    Nhưng điều đáng ngạc nhiên là mặc dù nằm trong một một địa thế "rồng chầu, hổ phục" như vậy, Sài Gòn vẫn chỉ đóng một vai trò rất khiêm nhượng đối với đất nước Việt Nam, cũng như đối với cộng đồng thế giới. Giữa lúc tên của những thành phố như New York, Los Angeles, Paris, Tokyo, thậm chí đến cả Hong Kong, Singapore....đã gắn liền với một nền kinh tế sung túc và thịnh vượng, thì cái tên Sài Gòn vẫn gắn liền với một xứ sở lạc hậu, một quốc gia chậm tiến. Sở dĩ như vậy là vì tuy địa thế chung quanh Sài Gòn vô cùng tốt đẹp, nhưng địa điểm tọa lạc của thành phố lại nằm sai vị trí, khiến cho Sài Gòn không sao trở thành một thành phố giàu mạnh, nổi tiếng trên thế giới được. Thay vì phải nằm ở trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn để chiếm lấy vị trí của "chân long" (chính long mạch), Sài Gòn lại nằm ở phần đất bên ngoài tức chỉ là "hộ sa" (đất hộ vệ) của chân long. Ðối với Phong thủy, chân long mới là nơi kết tụ được nguyên khí của trời, đất để chiếm lấy thế lực lớn lao hay độc tôn về chính trị và kinh tế, đồng thời mới thu hút được những anh hùng kiệt xuất, những lãnh tụ vĩ đại. Còn hộ sa chỉ là phần đất chư hầu, nguyên khí đã bị tản mát hết, nên không bao giờ có thể trở thành một trung tâm kinh tế hoặc chính trị hùng mạnh, đồng thời cũng không dễ có được một lãnh tụ tài ba xuất hiện. Nếu ta nhìn lại giai đoạn Sài Gòn là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, có Hoa kỳ là đồng minh đắc lực nhất. Vậy mà trong mọi cuộc đàm phán, thương thuyết, họ chỉ cho chính phủ Sài Gòn đứng ngang hàng với Mặt trận Giải phóng là tay sai của Hà Nội. Ðiều này đủ cho thấy sự tai hại khi thủ đô của một quốc gia mà lại nằm trong vùng đất hộ sa là như thế nào.

     

    Một điểm quan trọng khác là hình dáng uốn lượn rất nhiều lần của con sông Sài Gòn, nên đúng ra sẽ đem lại sự phồn thịnh và sung túc đến cực độ cho thành phố, khó có nơi nào có thể bì kịp. Nhưng muốn được hưởng trọn vẹn điều này, Sài Gòn (và nhất là trung tâm của thành phố) cần phải nằm tại những khu vực được dòng sông ôm lấy, tức là những vùng được dòng sông bao bọc, che chở 2, 3 mặt (như khu Thủ Thiêm chẳng hạn). Chứ còn từ khi được thành lập cho tới nay, Sài Gòn vẫn nằm ở vị trí hiện tại, đã không có sông che chở, bao bọc (còn gọi là thủy hữu tình), mà còn bị khúc sông Sài Gòn ngay đó uốn cong ra chém tới. Ðối với Phong thủy, đây là một địa thế cực kỳ hung hiểm (còn được gọi là thủy bạc tình), nên sẽ khiến cho Sài Gòn không lúc nào được yên ổn. Nếu không có chiến tranh, giặc giã, thì cũng bị bị những tệ trạng xã hội như băng đảng trộm cướp, xì ke, ma túy, đĩ điếm hoành hành khắp nơi, nhất là tại khu vực trung tâm thành phố (là nơi bị thủy chém nặng nhất). Chẳng những thế, sát khí của khúc sông này sẽ làm cho Sài Gòn luôn luôn bị suy yếu, không bao giờ có thể vươn lên thành một trung tâm kinh tế cường thịnh và tiên tiến được.

     

    Cũng vì 2 yếu tố kể trên nên mặc dù được hình thành và phát triển đã lâu, nhưng Sài Gòn vẫn chỉ là một thành phố trung bình, uy lực yếu ớt, chưa đủ để trấn áp hết miền Nam. Còn nói tới việc khuất phục được các nước trong vùng Ðông Nam Á châu và làm cho thế giới phải kiêng nể thì vẫn quá xa vời. Muốn đạt được điều đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam trong tương lai cần thiết lập những đề án xây dựng trong khu vực giữa sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn. Rồi cho dời những cơ quan hành chánh, kinh tế, thương mại quan trọng vào trong vùng Thủ Thiêm, biến nơi đây thành khu vực trung tâm của thành phố. Ðến lúc đó thì Sài Gòn mới có được đầy đủ vượng khí để vươn lên, nếu không phải là kinh đô của một cường quốc hùng mạnh, thì cũng là một trung tâm kinh tế thịnh vượng của thế giới.

     

    Còn về vận khí của Sài Gòn thì đúng ra, Vận 1 là giai đoạn rất tốt đẹp, vì được mạch Trường Sơn ở phía Bắc hướng tới, nên chẳng những sẽ có vĩ nhân xuất hiện, mà còn được hưởng cảnh thanh bình, thịnh vượng. Nhưng chỉ vì thành phố nằm ở trong vùng đất hộ sa, vượng khí không thể tích tụ được nên nhân tài đã không thấy, mà cảnh phồn thịnh, sung túc cũng chỉ là hão huyền, chỉ cầu có được sự yên ổn làm ăn cũng đã là may mắn. Bước qua Vận 2, Sài Gòn bắt đầu đi vào thời kỳ suy yếu, vì khu vực phía Tây Nam đã có sông (Vàm cỏ), phía Ðông Bắc lại có núi tạo thành cách "Phục Ngâm", "Phản Ngâm", nên những mần mống rối loạn bắt đầu xuất hiện. Rồi đến các Vận 3, 4 đúng ra đều là những giai đoạn suy yếu của Sài Gòn, vì các mặt phía Ðông và Ðông Nam đều có biển cả bao la tức là bị "Phục Ngâm" rất nặng. Nhưng vì trong đất liền lại được những chi nhánh của mạch Trường Sơn tiến ra che chở, khiến cho sát khí từ ngoài biển không thể vào được tới thành phố, nên trong những Vận này, Sài Gòn lại tương đối yên ổn. Ðến Vận 5 đúng ra cũng là một giai đoạn hưng vượng của Sài Gòn, vì có núi, sông phò tá, hộ vệ ở bên ngoài, chính giữa lại có sông Sài Gòn uốn lượn êm đềm, tích tụ một nguồn sinh khí sung túc không thể diễn tả. Nhưng do không nằm đúng chân long, nguyên khí bị thất tán hết, nên sự hưng vượng cũng tan biến nhanh chóng. Ðã thế lại còn bị những tai họa lớn, vì khúc sông Sài Gòn cong vô chém vào trung tâm thành phố, gây ra những cảnh tượng chiến tranh, chém giết hỗn loạn vô cùng. Bước sang Vận 6, Sài Gòn vẫn tiếp tục bị chiến tranh đe dọa, tàn phá, do khu vực phía Tây Bắc là thượng nguồn của con sông Sài Gòn, tạo thành cách "Phục Ngâm", đem sát khí đến cho thành phố. Phải đến khi qua tới Vận 7, nhờ cósông Ðồng Nai và sông Sài Gòn ở phía Ðông lúc đó là "Chính Thủy", đem vượng khí trở lại nên Sài Gòn mới được quay về khung cảnh thái bình, yên ổn làm ăn của một thời thịnh trị. Qua tới Vận 8, khu vực thượng nguồn của sông Ðồng Nai ở phiá Ðông Bắc sẽ biến thành sát khí, gây nên những cuộc loạn lạc, chém giết khác. Ðến Vận 9, chiến tranh lại tiếp tục xảy ra, vì biển và cửa sông Sài Gòn ở phía Nam đều phạm phải cách "Phục Ngâm", nên tai họa lại đến với thành phố.

    (còn tiếp)

    • Vote tăng 1

  4. Từ năm 1916 đến năm 1945, tức là từ giữa Vận 3 đến khi bước vào Vận 5, triều đình nhà Nguyễn dưới thời Khải Ðịnh (1916 - 1925) và Bảo Ðại (1926 - 1945) đã hoàn toàn suy nhược, chỉ là công cụ của thực dân Pháp. Giữa lúc đó, những phong trào đấu tranh dành độc lập nổi lên khắp nơi, nhưng chỉ chuốc lấy thất bại và sự hao tổn máu xương của hàng ngàn chiến sĩ ưu tú, vì lúc đó vận khí của Huế đã quá suy vi, tàn tạ. Phài đến năm 1945, khi Việt minh cướp chính quyền, vua Bảo Ðại thoái vị, rồi Hồ chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập ở Hà Nội, thì lúc đó đã bước sang đầu Vận 5 Trung Nguyên. Kể từ đó trở đi, Huế không còn là kinh đô của nước ta nữa, nhưng vận khí của Huế vẫn tiếp tục xoay vần. Sau năm 1954, khi đất nước ta bị chia cắt làm 2 miền: miền Bắc từ sông Bến Hải trở ra, dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh, đặt thủ đô ở Hà Nội. Miền Nam từ đó trở vào, dưới sự lãnh đạo của TT Ngô đình Diệm, thủ đô đặt ở Sài Gòn. Ðể có người trông nom mọi việc ở ngoài Trung, TT Ngô đình Diệm liền cho em mình là Ngô đình Cẩn nắm toàn quyền ở Huế, lúc đó đang ở giữa Vận 5. Nhưng ông Ngô đình Cẩn đã bất tài, lại hống hách, làm nhiều chuyện thất nhân tâm, khiến cho người dân miền Trung vô cùng oán ghét. Ðến khi chế độ Ngô đình Diệm bị lật đổ vào năm 1963 (tức năm cuối cùng của Vận 5) thì ông Cẩn liền bị phe đảo chính lôi ra kết án rồi xử tử hình.

     

    Sau cuộc chính biến 1963, tình hình chính trị của miền Nam mỗi lúc một rối loạn, giữa lúc chiến tranh ngày càng lan rộng và quyết liệt giữa 2 miền Nam-Bắc. Ðầu năm 1968 (thuộc Vận 6), Cộng sản mở cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, chiếm được Huế rồi cho tàn sát hàng ngàn người dân vô tội trong thành phố này. Ðến năm 1972, cũng trong Vận 6, khi Cộng sản phát động cuộc tấn công quy mô khắp miền Nam, Huế lại trở thành một bãi chiến trường đẫm máu và khốc liệt. Rồi năm 1975, trong trận chiến cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Huế lại phải trải qua những giờ phút kinh hoàng, với hàng trăm, hàng ngàn người chết trong cuộc tháo chạy ra biển. Tiếp sau đó là những cuộc bắt bớ, giam cầm, rồi đến vụ đói kém năm 1978 - 1979 khiến cho đời sống của người dân Huế vô cùng lầm than, cơ cực.

     

    Kể từ khi bước sang Vận 7 (1984), cảnh yên ổn, thanh bình lại trở về với Huế. Những lăng tẩm, đền đài của các vua chúa nhà Nguyễn được tu sửa, những khu du lịch mọc lên để thu hút du khách, đời sống của người dân nhờ vậy cũng được thoải mái, dễ chịu phần nào. Nhưng hiện tại đã là cuối Vận 7, sắp sửa bước sang Vận 8 Hạ Nguyên. Chỉ sợ rằng tới lúc đó, sát khí của cửa biển Thuận-an sẽ gây cho Huế nhiều tai họa, mặc dù không thảm khốc như trong Vận 6, nhưng cũng nguy hiểm cho những người dân đang cư trú trong thành phố êm đềm và thơ mộng này.

     

    Tóm lại, vận khí của Huế chỉ tốt đẹp trong Vận 7, còn trong những Vận khác đều xảy ra những cảnh chiến tranh, chém giết. Riêng Vận 2 tuy cũng khá tốt vì được những nhánh núi nơi phía Tây Nam hướng tới, nhưng vì thượng nguồn của sông Hương xuất phát tại đây tức là bị "Phục Ngâm", nên hay xảy ra việc binh biến. Tuy nhiên, trong cả 2 Vận này, Huế sẽ có được những người lãnh đạo tương đối có tài năng và ý chí, dù rằng sự nghiệp của họ không có gì đáng kể lắm. Các Vận 3 và 8 thì còn hưởng được chút dư khí của Vận 2 và Vận 7, nên lúc đầu còn được những người có năng lực, nhưng sau cũng tàn tạ, suy bại như những Vận khác. Trong các Vận 5, 6, Huế ở trong cái thế có đại long mạch (dãy Trường Sơn) tiến tới nhưng không chầu phục, mà lại vươn mình đi nơi khác. Vì thế nên trong những Vận này, tại Huế có thể xuất hiện nhân tài lỗi lạc, nhưng họ thường mất sớm hoặc bỏ đi nơi khác, những người còn lại thì đều yếu kém, nhu nhược. Riêng Vận 5, Huế bị dãy Trường Sơn lấy hết nguyên khí, nên những người lãnh đạo trong Vận này đều khét tiếng là bất tài, lại sâu dân mọt nước để rồi bị thảm tử. Còn Vận 6 thì bị cái thế long mạch đoạn tuyệt, dứt tình dứt nghĩa nên thường bị những tai họa khủng khiếp giáng xuống cho cả thành phố.

     

    Nhìn chung, Huế có cái đẹp của sông Hương êm đềm, uốn khúc, của những nhánh núi non che chở, bao bọc. Nhưng sông Hương chỉ có thể tạo nên sự phồn thịnh sung túc cho một thành phố nhỏ (thế sông uốn lượn nhưng lại quá ngắn). Những nhánh núi non chỉ đủ vượng khí để xây dựng nhà cửa cho việc làm ăn phát đạt, hoặc đắp mộ để con cháu trở thành những công hầu khanh tướng mai sau (nếu biết cách làm). Còn nếu chọn Huế làm thủ đô của đất nước thì tai họa sẽ ập tới. Bởi vì ngay cả trong lúc hưng thịnh, Huế còn chưa có đủ vượng khí để trấn áp những vùng khác, thì đến lúc suy vi, thù trong giặc ngoài liên tiếp kéo đến, nên tránh sao khỏi cái họa diệt vong, mất nước. Ngoài ra, nếu nói đến vấn đề tìm cách thay đổi địa thế Phong thủy của Huế thì hầu như không có một phương cách hữu hiệu nào cả, vì khu vực này quá chật hẹp, lại bị khống chế bởi dãy Trường Sơn và biển Ðông Hải. Tuy nhiên, khi đã biết được vận khí của Huế như vậy, chúng ta không nên cố công kiến tạo một trung tâm chính trị, kinh tế đồ sộ ở đây. Mà hãy để cho Huế trở về với tính cách tự nhiên của nó: một thành phố nhỏ êm đềm, thơ mộng, một vùng đất của những tao nhân, mặc khách, của những văn, thi sĩ muôn đời lãng mạn. Có như thế thì chẳng những đất nước sẽ tránh được nhiều tai vạﬠmà cuộc sống của những người dân Huế cũng được yên ổn, thư thái hơn.

    • Vote tăng 1

  5. (Tiếp Huệ tình yêu cụa tôi)

    Nếu nhìn vào lịch sử của cố đô Huế thì ta thấy thành phố này bắt đầu được xây lên vào năm 1687. Nhưng phải đến đời chúa Nguyễn phúc Khoát (1738 - 1765) mới dám tự tiếm Vương hiệu (Vũ Vương), đồng thời chính thức đặt Huế làm thủ đô của giang sơn nhà Nguyễn (1744). Dưới thời Vũ vương, vì kinh đô mới được thiết lập, vận khí của Huế chưa phải đã có ảnh hưởng ngay tới cục diện, nên tình hình vẫn còn tương đối ổn định, nhưng những mần mống rối loạn đã bắt đầu xuất hiện. Khi Vũ vương qua đời (1765 tức là mới bắt đầu vào Vận 5), con còn nhỏ lên nối ngôi bị quyền thần Trương phúc Loan thao túng, làm lắm điều tham tàn, bạo ngược, khiến cho dân chúng Nam hà vô cùng lầm than, uất hận.

     

    Năm 1772, đang trong Vận 5, anh, em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ khởi nghĩa ở Tây Sơn, chiếm được Quy Nhơn và một số tỉnh miền Trung. Thừa dịp đó, chúa Trịnh liền phái đại quân vào Nam đánh chiếm lại vùng Thuận Hóa và kinh thành Phú Xuân (1775), khiến cho chúa Nguyễn phải chạy vào đất Gia Ðịnh, nhưng chỉ 2 năm sau (1777) thì bị Nguyễn Lữ bắt được giết đi. Thế là kinh đô Phú Xuân chưa lập được bao lâu, một triều đại đã bị sụp đổ nhanh chóng.

     

    Trong thời gian chiếm được Phú Xuân (1775 - 1786, tức là từ giữa Vận 5 sang đến đầu Vận 6), chúa Trịnh để Phạm ngô Cầu là một viên tướng vừa bất tài, vừa tham lam, hèn nhát trấn thủ vùng này. Ðến khi Nguyễn Huệ đem quân ra Thuận Hóa đánh Trịnh (1786), bắt được Phạm ngô Cầu liền ra lệnh cho quân sĩ giết đi.

     

    Ðánh bại được chúa Trịnh, Nguyễn Huệ lại trở về Phú Xuân, cho thiết lập đại bản doanh ở đây, nhưng trên danh nghĩa vẫn là tôi thần của nhà Lê với chức Nguyên soái Uy Quốc công. Lúc này, vì giữa Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc có sự bất hòa, nên Nguyễn Huệ không còn phụ thuộc vào triều đình Tây Sơn ở Ðồ Bàn nữa, mặc dù vẫn giữa tước hiệu Bắc bình Vương do Nguyễn Nhạc phong cho. Ðến khi miền Bắc có loạn, vua Lê chạy sang Tàu cầu cứu, Nguyễn Huệ mới lên ngôi hoàng đế, rồi tiến ra Bắc đánh bại quân Thanh (1788). Nhưng sau đó, Ngài lại quay về đóng đô ở Phú Xuân, rồi cho tiến hành nhiều cải cách táo bạo để kiến thiết đất nước, đồng thời chuẩn bị một lực lượng quân sự hùng mạnh cho việc chinh phạt nhà Thanh. Nhưng lúc đó đang trong Vận 6, là giai đoạn vận khí đen tối nhất của thành phố Huế, cho nên chỉ làm vua chưa đầy 4 năm, vua Quang Trung bỗng đột nhiên qua đời (1792). Những hoài bão lớn lao cùng những công trình cải cách vĩ đại của Ngài do đó đều sụp đổ. Con của Ngài là Quang Toản lên nối ngôi còn quá nhỏ tuổi, các đại thần xâu xé lẫn nhau khiến cho nhà Tây Sơn bị suy tàn nhanh chóng. Giữa lúc đó, Nguyễn Ánh đã củng cố được thế lực ở Gia Ðịnh, rồi bắt đầu đen quân ra đánh chiếm dần các miền duyên hải Trung phần. Vào năm 1801, tức cuối Vận 6, thành Phú Xuân bị thất thủ, khiến cho vua tôi nhà Tây Sơn phải bỏ chạy ra Bắc, nhưng đến năm sau đều bị bắt đem về hành hình một cách vô cùng dã man, tàn bạo ngay giữa kinh thành Huế.

     

    Diệt được nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long và lập ra nhà Nguyễn (1802), lúc đó đang là giai đoạn chót của Vận 6, chuẩn bị bước sang Vận 7 Hạ Nguyên. Do đó, dưới thời vua Gia Long (1802 - 1819), đất nước ta được yên ổn, thái bình. Tuy nhiên, mặc dù cũng là một nhà lãnh đạo có tài (qua bao năm đấu tranh chống lại nhà Tây Sơn), nhưng trong suốt thời gian cai trị, vua Gia Long lại tỏ ra thiển cận và hủ lậu, nên sự nghiệp không có gì đáng kể tới. Sang đến thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), nước ta đã bắt đầu bước vào thời kỳ suy yếu, với những cuộc nổi loạn xảy ra ở khắp nơi.

     

    Năm 1826, trong Vận 8 Hạ Nguyên, Phan bá Vành làm loạn ở Nam Ðịnh, rồi đến năm sau, Lê duy Lương nổi lên ở Ninh Bình, khiến triều đình phải đánh dẹp vất vả suốt mấy năm trời mới xong. Ðến năm 1833, cũng trong Vận 8, lại có vụ loạn Nồng văn Vân ở vùng biên giới Việt-Hoa, và Lê văn Khôi ở trong vùng Gia Ðịnh làm cho triều đình phải khốn đốn. Sau đó nhà Nguyễn còn phải đối phó với sự quấy phá của quân Xiêm, rồi những cuộc bắt giết đạo Thiên Chúa lại xảy ra, khiến cho cảnh máu chảy, đầu rơi không lúc nào ngừng được.

     

    Ðến đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847, tức là từ cuối Vận 8 qua đầu Vận 9), những cuộc giết hại giáo sĩ và giáo dân Thiên Chúa giáo càng diễn ra khốc liệt hơn trước. Trong khi đó, người Chân Lạp (tức Cam Bốt) nổi lên chống lại nền đô hộ của nhà Nguyễn (được thiết lập từ thời vua Gia Long), khiến cho triều đình nhà Nguyễn đánh dẹp mãi không xong, cuối cùng đành phải chấp nhận nền độc lập của xứ này.

     

    Sang đến đời vua Tự Ðức (1847 - 1883 tức là từ giai đoạn đầu Vận 9 cho đến hết Vận 1), tình hình lại càng trở nên vô cùng đen tối. Ở ngoài Bắc có các vụ giặc Tam Ðường (1851), giặc "châu chấu" của Lê duy Cự và Cao bá Quát, giặc Tạ văn Phụng, giặc Cai tổng Vàng (cùng xuất phát vào năm 1861), giặc Ngô Côn (1868), giặc Cờ Ðen, Cờ Trắng, Cờ Vàng (1870)....Ở Huế thì có âm mưu soán nghịch của Hồng Bảo (anh vua Tự Ðức, năm 1855), vụ giặc "chầy vôi" (1866).Những cuộc phiến loạn này khiến triều đình nhà Nguyễn không kịp trở tay để đối phó. Giữa lúc đó, vào năm 1858 tức khoảng cuối Vận 9, Pháp đem hải quân vào tấn công thành Ðà Nẵng, mở màn cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Qua năm sau, quân Pháp quay vào Nam đánh chiếm thành Gia Ðịnh, rồi chuyển sang việc bình định toàn thể Nam kỳ. Năm 1873, tức trong giữa Vận 1, Pháp tiến ra Bắc đánh hạ được thành Hà Nội nhưng rồi lại rút về Nam vì đang vướng bận vào cuộc chiến tranh với Ðức ở Âu châu. Ðến năm 1882, Pháp lại đem quân ra Bắc triệt hạ thành Hà Nội lần thứ hai, rồi chia quân ra đánh chiếm khắp nơi, khiến cho triều đình nhà Nguyễn không sao đối phó nổi. Cũng trong giai đoạn đó, nhà Nguyễn đã ký kết với Pháp những hòa ước nhục nhã: từ việc nhường 3 tỉnh miền Ðông (tức khu vực từ Bình Thuận vào đến Long-an), sau đó là hết cả miền Nam cho Pháp. Rồi đến việc phân chia đất nước ra thành 3 miền riêng biệt, và cuối cùng là chấp nhận sự đô hộ của Pháp. Vào năm 1883, tức năm cuối cùng của Vận 1, khi vua Tự Ðức băng hà, nước ta đã mất hẳn nền độc lập, chính thức trở thành nô lệ của ngoại bang.

     

    Sau khi vua Tự Ðức qua đời, triều đình nhà Nguyễn lại càng rối loạn vì những cuộc phế lập, nên phải đến giữa năm 1884, tức vào đầu Vận 2 Thượng Nguyên, vua Hàm Nghi mới lên ngôi. Tuy còn nhỏ (mới có 12 tuổi), nhưng nhà vua đã tỏ ra là một vị anh hùng khí khái, cương quyết chống ngoại xâm, chứ không chịu cúi đầu làm tay sai cho giặc. Năm 1885, Ngài cho quân đánh Pháp, nhưng bị thất bại nên phải trốn khỏi kinh thành rồi phát động phong trào Cần Vương kháng chiến, được nhân dân 2 miền Bắc, Trung hưởng ứng. Nhưng đến năm 1888 thì vua Hàm Nghi bị Pháp bắt được đem đầy đi Algeria, rồi những phong trào kháng Pháp cũng lần lượt bị thất bại.

     

    Khi vua Hàm Nghi trốn khỏi kinh thành Huế thì Pháp liền đem vua Ðồng Khánh lên thay, nhưng vua Ðồng Khánh chỉ ở ngôi được có 3 năm (1885 - 1888) thì qua đời. Pháp liền cho lập hoàng thân Bửu Lân (mới có 10 tuổi) lên ngôi, lấy hiệu là Thành Thái, lúc đó vẫn đang là đầu Vận 2. Khi lớn lên, nhà vua thấy Pháp quá lộng hành, không đếm xỉa gì tới nền độc lập của Việt Nam nên tìm cách chống lại, nhưng âm mưu bị bại lộ nên bị chúng đày sang Phi châu (1907). Con ngài là thái tử Vĩnh San (mới có 8 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Duy Tân. Năm 1916, khoảng giữa Vận 2, vua Duy Tân cùng tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội (do cụ Phan bội Châu sáng lập) âm mưu khởi nghĩa ở Trung kỳ nhưng thất bại, khiến hàng trăm chiến sĩ bị hành quyết, hàng ngàn người bị bắt bớ, tù đày. Riêng vua Duy Tân bị Pháp bắt đem đày sang đảo Reunion ở Phi châu.

    (còn tiếp)

    • Vote tăng 1

  6. Tiếp tục đến Huệ tình yêu cụa tôi:

    Bản Ðồ Huế

     

    2/ HUẾ: trước đây còn có tên là Phú Xuân, là thành phố nằm gần như ngay chính giữa nước Việt Nam, trong địa phận tỉnh Thừa Thiên (hay Bình-Trị-Thiên). Chính do vị trí chiến lược này nên mặc dù chỉ là một thành phố nhỏ, đất đai chung quanh cũng rất chật hẹp, Huế vẫn được chọn làm kinh đô của nước ta dưới thời nhà Tây Sơn (Nguyễn Huệ) cũng như nhà Nguyễn sau này. Nhưng vì nằm trong 1 vùng đất nhỏ hẹp, nên Huế cũng có đầy đủ núi, sông bao bọc. Xa xa nơi phía Tây Bắc, dãy Trường Sơn xuất phát từ miền thượng du Bắc Việt chạy xuống, nhưng không hướng về Huế mà chỉ đi qua khu vực phía Tây của thành phố rồi tiếp tục đi thẳng về phía Nam. Chỉ có những nhánh núi nhỏ tách ra từ đại long mạch của dãy Trường Sơn là tiến tới hướng về Huế mà thôi. Vì Huế chỉ được những nhánh núi nhỏ chầu phục (hướng tới), nên cũng chỉ có những con sông nhỏ, ngắn chạy tới để hộ vệ. Ðó chính là sông Hương bắt nguồn từ những dòng sông ở phía Nam (Quảng Nam) và Tây Nam (Lào) chảy ra rồi hợp lại. Nhưng khi tới gần Huế, sông Hương lại không chảy thẳng mà đột nhiên vòng lại, như muốn ôm lấy khu vực phía Nam và phía Ðông của thành phố này. Rồi còn ngoái đầu nhìn lại trước khi đổ ra biển nơi cửa Thuận An., thật là một cảnh sông nước hữu tình, chẳng trách nào con người Huế lại tao nhã, giỏi văn chương, thi phú. Không những thế, ở các phía Bắc, Ðông và Ðông Nam lại còn có Thủy của biển Ðông và Thái bình Dương bao bọc, tưởng sẽ đem đến cho Huế sự sung túc và phồn vinh vô hạn. Có lẽ cũng vì những lý do vừa kể trên mà các vua, chúa nhà Nguyễn mới chọn Huế làm đế đô (chứ không phải như vua Quang Trung chỉ thuần mục đích quân sự là muốn vào Nam, ra Bắc dễ dàng để dẹp loạn). Rồi họ còn cho đào sông Ðông Ba ở phía Bắc để tạo nên thế chân long cho kinh thành Huế, lấy con sông này và đoạn sông Hương ở phía Nam làm Thanh Long, Bạch Hổ, những vùng phụ cận làm hộ sa.... để tạo thêm uy thế cho đế đô.

     

    Tuy nhiên, khi dựa vào những điểm tốt đẹp vừa kể trên để chọn Huế làm đất đóng đô, các vua, chúa nhà Nguyễn đã quên mất một yếu tố quan trọng và cơ bản của Phong thủy. Ðó là độ dài, ngắn của những dãy núi (hay còn gọi là long mạch) đứng bao phủ, chầu phục chung quanh khu vực này. Lưu-kim-Tinh, một danh sư Phong thủy Trung Hoa viết: " nơi sở tại của can long (tức những nơi có núi, sông tới chầu phục) cần phân rõ xa và gần. Can long xa ngàn dậm là đại đô thị (tức kinh đô lớn của những cường quốc); xa hai, ba trăm dậm là châu phủ; xa trăm dậm chỉ có thể là huyện thành, còn gần nữa là các trấn". Mà nhìn lên bản đồ, ta thấy những dãy núi hướng về Huế chỉ là những nhánh nhỏ của mạch Trường Sơn, dài chừng 2, 3 chục cây số (tức khoảng trăm dậm). Rồi đến sông Hương tuy được cái thế uốn lượn hữu tình, nhưng từ chỗ phát nguồn cho đến khi đổ ra biển cũng chỉ dài chừng 5, 6 chục cây số. Với thế núi sông quá ngắn ngủi như vậy, chẳng trách gì mỗi khi một triều đại lập đế đô ở đây, thì chẳng bao lâu cũng bị diệt vong (như thời chúa Nguyễn, Tây Sơn) hoặc trở thành chư hầu của ngoại bang (như nhà Nguyễn). Ðó chỉ vì cái thế núi sông "xa trăm dậm chỉ có thể là huyện thành " của Huế tạo ra mà thôi, vì nếu núi, sông quá ngắn thì không sao tạo ra đủ vượng khí cho một thành phố phát triển lên hùng mạnh được.

     

    Một yếu tố quan trọng khác là vấn đề dựa vào đại thủy (nước biển) mênh mông ở ba mặt Bắc, Ðông và Ðông Nam để đem lại sự sung túc, phồn thịnh cho kinh thành Huế, và qua đó cho cả dân tộc. Nhưng thật ra, muốn được hưởng đại thủy khí thì điều kiện cần thiết là bờ biển phải có hình dạng uốn cong vào (là thế nước muốn lấn vô đất liền), có như vậy khi gặp vận khí tốt thì đất nước mới mong giàu, mạnh lên được. Ðàng này vùng bờ biển Huế (và của cả miền Trung, suốt từ Nghệ An vào tới Phan Rang nói chung) lại có hình dạng uốn cong ra. Ðó là thế đất liền muốn tiến ra biển, nên đại thủy khí không thể vào được để đem lại sự phồn thịnh, có chăng chỉ là những cơ hội bị bỏ lỡ (vì nằm ngay sát đại thủy mà lại không nhận được thủy khí).

     

    Tuy nhiên, mặc dù không đón nhận được vượng khí từ biển Ðông đưa vào, nhưng Huế vẫn bị ảnh hưởng của đại thủy về phương diện thời vận. Do đó, các Vận 1, 3, 4 đều là những bại Vận vì ở các phía Bắc, Ðông và Ðông-nam đều có đại thủy tức là bị " Phục Ngâm" rất nặng. Vì thế nên trong những Vận này đất nước ta thường có chiến tranh, loạn lạc, giữa lúc triều đình thì bất tài, nhu nhược, không đối phó nổi với tình thế. Trong Vận 2 thì thường có anh hùng xuất hiện, vì nơi phía Tây Nam của Huế có những nhánh núi của dãy Trường Sơn hướng tới, nên sẽ đem vượng khí đến cho thành phố. Rất tiếc rằng những nhánh núi đó lại quá ngắn, nguồn vượng khí quá ít khiến cho những vị anh hùng này tuy có chí khí nhưng không đủ tài, sức để làm nổi chuyện lớn. Vào Vận 5 Huế sẽ gặp nhiều biến động, vì vượng khí của thành phố (do sông Hương và những nhánh núi nhỏ tạo ra) đã bị dãy Trường Sơn hút hết về phía Nam, khiến cho thần lực của Huế bị suy kiệt hẳn. Sang Vận 6 Huế sẽ bị những tai họa thảm khốc, vì đại long mạch Trường Sơn từ phía Tây Bắc tiến xuống, nhưng không hướng tới Huế mà lại ngoảnh đầu, vươn mình về phía Nam. Ðây chính là thế đất bị rồng bỏ, mà Vận 6 là chính Vận nên tai họa sẽ giáng xuống không ngừng. Ðến Vận 7 mới là thời kỳ an bình, hưng vượng của Huế, vì những nhánh núi phía Tây và sông Hương ở phía Ðông đều là những nguồn phát sinh ra vượng khí. Trong Vận này Huế cũng có nhân tài xuất hiện, nhưng chỉ vì thế núi sông quá ngắn, vượng khí không đủ nên họ chẳng làm được gì đáng gọi là phi thường, nổi bật cả (tương tự như Vận 2). Bước sang Vận 8, cửa khẩu Thuận-an và vùng biển phía Ðông Bắc là sát khí (bị Phục Ngâm) nên sẽ tạo ra những cơn biến loạn. Rồi sang Vận 9 cũng không tốt đẹp gì, vì vận khí của Huế dựa rất nhiều vào sông Hương, mà con sông này lại xuất phát từ phía Nam đổ ra tức là lại bị "Phục Ngâm" nên chiến tranh, loạn lạc vẫn tiếp tục xảy ra.

    (còn tiếp)

    • Vote tăng 1

  7. CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC BẮC KINH:

     

    Kiến trúc sư trưởng Nguyễn An hoạch định việc xây dựng Bắc Kinh gồm 1 vòng thành hình chữ nhật bao quanh cả kinh thành, về hướng Bắc thu nhỏ hơn đại đô 2 km, trái lại về phía Nam thì rộng hơn 1/2 km. Toàn thành có 9 cổng, có 3 lớp vòng thành (tam trùng thành quách).

     

    So với Nam Kinh và các kinh thành trước đó của Tầu, hình dáng của Bắc Kinh biến từ vuông vức ra chữ nhật (biến dạng). Sự thay đổi này được đánh giá là do người vẽ kiểu (Nguyễn An) chịu ảnh hưởng tất nhiên của kiến trúc Việt Nam (từ thành Cổ Loa, được xây vào thời An Dương Vương (257-207 trước Công nguyên), có 3 vòng thành).

     

    Một số ghi nhận: Thời Ân Thương, An Ấp là kinh thành (còn gọi là An Dương, nay thuộc Hà Nam), Cảo Kinh đời Chu, Hàm Dương đời Tần, Nam Kinh đầu triều Minh đều được xây bọc quanh bằng 1 hoặc 2 lớp vòng thành. Đến các thời sau kế tiếp, quy hoạch của kinh thành Tầu dựa theo nguyên tắc “tiền triều, hậu thị” (cung điện triều đình phía trước, chợ búa phía sau), thuờng cấu trúc hình vuông.

     

    Công trình kiến trúc đô thành Bắc Kinh được tiến hành như sau:

     

    Năm 1404, xây thành quách bao quanh Hoàng thành và Đại nội, mở ra 4 cửa: Ngọ môn, cửa chính ở mặt thành Nam, Thần Vũ môn ở phía Bắc, Đông Hòa môn và Tây Hòa môn 2 hai bên. Phía trong Ngọ môn lát đá một quảng rộng hình vuông, giữa đào một con sông uốn khúc (sông Kim Thủy), trên có 5 cây cầu bắc qua đều mang tên chung là Kim Thủy Kiều.

     

    Từ năm 1406 đến 1420, kiến trúc đại nội gồm cung điện, nghi môn, đường sá, sân, vườn hoa, cung thất.

    Hoàng cung hay Cố cung được khởi công vào 1406 và trùng tu vào thế kỷ 16, 17 và 19. Các hoàng gia 2 triều Minh Thanh thay phiên nhau trú ngụ tại đây cho đến năm 1924. Khu này nay là Bảo tàng viện quốc gia.

     

    Tử Cấm Thành được xây theo hình chữ nhật, diện tích 720 ngàn mét vuông, được bao quanh bằng 1 bức tường cao 7 mét và 1 hào rộng. Đông Hòa và Tây Hòa môn gồm 3 cửa 4 vòng cung, nhưng nằm lệch sâu xuống phía Nam, mở lối cho bá quan văn võ vào cung điện hành lễ. Bốn góc kinh thành đều có xây vọng lâu, nơi các đội ngự tiền thị vệ trú đóng, canh gác. Thiên An môn có một quãng sân dài, nơi thường được dùng làm nơi thao diễn hay duyệt binh (Trung Cộng nay vẫn dùng Thiên An môn). Đoan môn phân đôi sân rộng thênh thang này thành 2 phần không đều nhau: ngoài hẹp hơn, phần rộng nằm bên trong kéo dài tới Ngọ môn, cổng chính của kinh thành.

     

    Dĩ nhiên cổng này được xây công phu nhất gồm 3 lâu thành kết hợp lại theo hình chữ U, bắc qua hào nước rộng. Như vậy ngoài lâu thành ở giữa xây 9 gian và nóc 2 mái chồng lợp bằng ngói tráng men vàng như các cổng khác, Ngọ môn cũng có cột, vách gỗ, cửa sơn son, đà son xanh vàng tím. Ngọ môn còn được thêm 4 vọng lâu hình vuông nằm ở 2 đầu cánh chữ U, nối nhau bằng dãy trụ lợp một mái. Sân trước Ngọ môn rộng 600 mét. Đây là Đại Nội, có tường xây thấp chỉ 2 mét. Giữa sân Đại Nội lát đá là Kim Thủy hà uốn khúc ngăn đôi, hai vách bờ được cẩn đá hoa. Muốn qua lại, phải dùng các Kim Thủy Kiều. Những chiếc cầu ở giữa dẫn vào chính lộ đưa thẳng đến cầu thang lên sân thượng Thái Hòa môn. Đây là nơi chỉ dành cho hoàng để sử dụng. Các cầu hai bên cho các quan văn võ (theo thứ bậc). Tả hữu đôi bên được đóng lại bằng 2 dãy trụ chỉ chừa 2 của Đông, Tây mở ra Thái Miếu. (Thái Miếu phía Đông cũng được Minh Thành Tổ giao cho Nguyễn An xây dựng vào năm cuối đời của ông). Trước cổng Thái Hòa có 2 tượng lân lớn, ngồi trên 2 bệ đá, lâu nay vốn được xem là biểu tượng cho Tử Cấm Thành. (Lân đực đạp 1 chân lên cái banh tròn tượng trưng cho uy quyền nhà vua bao trùm hoàn vũ. Lân cái đạp 1 chân lên lân con tượng trưng cho quyền cai quản tam cung lục viện. Từ biểu tượng này, các nhà bói toán Tầu ứng dụng vào dân gian, biến thành biểu tượng trừ tà, yểm quỷ còn phổ biến cho đến ngày nay).

     

    Tử Cấm Thành có 3 cầu thang dẫn lên cầu cung môn hai mái chồng lên 9 gian, mà gian giữa rộng nhất. Từ đây giăng ra bên 2 dãy trụ dài đến 2 vọng lâu. Cầu thang giữa tuy cũng mở rộng hơn cho tương xứng với gian giữa nhưng lại được phân ra 2 bên xây các các bậc thang chỉ vừa đủ chỗ cho các phu khiêng kiệu (vua) đi, chừa hết bề rộng còn lại để cẩn nguyên tảng cẩm thạch trắng chạm rồng mây, dựng thành thang xiêng, để xa giá của nhà vua lên xuống. Từ đây vào Đại Nội, tất cả các nghi môn, cung điện chính đều được thực hiện 3 cầu thang lên xuống tạo thành Long đạo (lối đi dành riêng cho nhà vua) lát Hán bạch ngọc, băng qua các sân, xuyên suốt Cố Cung, nằm trên trục chính Bắc Nam của Tử Cấm Thành.

     

    Đại Nội được chia làm 2: phía Nam gọi là Triều Ngoại dùng làm nơi tiếp xúc với bên ngoài (còn gọi là Tiền Triều), phía Bắc nằm bên trong dành riêng cho hoàng gia, quen gọi là Nội Đình (cũng còn được gọi là Hướng Đình).

     

    Triều Ngoại gồm 3 điện lớn nhất, xây trên 3 tầng sân thượng với những lan can lát Hán bạch ngọc. 3 điện này thời Minh mang tên: Phụng Thiên, Hòa Khải và Cần Thân. Thời Thanh đổi thành: Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.

     

    Sân bao quanh khu Triều Ngoại được lát bằng 15 tầng gạch đá xếp chéo nhau, trên cùng là đá trắng nổi tiếng của xứ Yên Sơn được cắt thành hình chữ nhật. Cả 3 sân của 3 điện này không có 1 bóng cây vì sợ thích khách lợi dụng tàng cây để ám hại nhà vua. Sân triều giữa Thái Hòa môn Thái Hòa điện rộng tới 180 mét. Vào những ngày lễ lớn hoặc lúc vua lâm triều, bá quan văn võ đứng xếp hàng sẵn thành 18 nhóm, tùy theo phẩm trật: nhất phẩm ở trong cùng, cửu phẩm ngoài bìa.

     

    Thái Hòa điện xây trên 3 tầng sân thượng, được cẩn và dựng lan can chạm trổ bằng loại Hán bạch ngọc loại tốt nhất và lợp 2 tầng mái bằng ngói lưu ly tráng men nhũ vàng. Đây là cung điện cao rộng nhất của Tầu, được xây 1 tầng mái ngói và 2 tầng nóc, chỉ có vua mới được ở, dân quan chỉ được phép xây nhà cửa, dinh thự gồm 1 tầng nền, 1 tầng mái mà thôi. (Triều đình lại còn quy định dân thường được cất tối đa 3 gian, quan lại thì 5 gian. Bậc vương hầu, thừa tướng mới được 7 gian). Ngay gian giữa của điện, hơi lùi vào bên trong 1 tí, có 6 cây cột lớn thếp vàng, chạm rồng nổi quấn quanh chầu ngai vàng của nhà vua. Ngai vàng được làm bằng gỗ quý sơn mài mạ vàng, trang hoàng 9 con rồng chạm thật lộng lẫy để trên 2 lần sập: sập nhỏ thếp vàng để ngay giữa sập lớn bảy bậc trải thảm, ngụ ý cho đủ cửu trùng (9 bậc). Phía sau ngai vàng dựng 9 bức bình phong chạm rồng ghép lại tạo thế như ôm đỡ ngai vàng đúng theo thế “Cửu long hộ thể”. Hai bên còn chưng tượng hạc chầu, voi mang độc bình. Trước mặt chưng 4 lư hương lam ngọc kê trên đôn gỗ 5 chân chạm trổ, đặt giữa 2 lan can, để phân các bậc thang ra làm 3, phần rộng nhất ở giữa dành cho nhà vua, hai bên hẹp dành cho thái giám hay cận thần lên xuống. Tượng hạc, voi, độc bình, lư hương tượng trưng cho trường thọ và phúc lộc may mắn. Trên ngai vàng có gắn minh kính, phản chiếu toàn bộ ngai vàng, tượng trưng cho quang minh chính đại. Từ Minh Thành Tổ đến Phổ Nghi cuối đời Thanh, các vua thiết triều và cử hành đại lễ tại Thái Hòa điện.

     

    Trung Hòa điện nằm trên khoảng hẹp ở giữa nền sân thượng 3 tầng, chỉ lợp 1 lớp mái như tòa điện trung gian nối liền hai đại điện nằm trước và sau. Nội điện cũng đặt ngai vàng nhưng đơn giản hơn. Nơi đây dùng để vua tiếp sứ các nước và các quan đại thần. Trung Hòa điện cũng là nơi nhà vua nghỉ giải lao, thay y phục mỗi khi ra vào Thái miếu cúng các bậc tiên vương. Sân trước Trung Hòa điện còn được dùng làm nơi các quan chức đặc trách việc nông tang chưng các nông cụ cũng như hạt giống vào mỗi đầu mùa.

     

    Bảo Hòa điện giống Thái Hòa điện hơn. Nơi đây cũng có ngai vàng sơ sài, được dùng để nhà vua bày tiệc đãi quốc vương các nước chư hầu, sứ giả, các vị hoàng thân quốc thích và văn võ quần thần. Đến đời Thanh, Bảo Hòa điện còn được dùng làm nơi mở các cuộc thi tuyển chọn quan chức để sung vào viện Hàn Lâm.

     

    Nội Đình cũng có 3 cung điện nằm trên trục chính được thiết kế tương tự như 3 tòa đại điện ở Triều Ngoại nhưng kích thước nhỏ hơn và chỉ được xây trên 1 tầng sân thượng, nằm gọn lọt vào phía sau 1 sân vuông hẹp hơn sân trước. Các dãy trụ lang bao quanh 4 mặt sân với cổng lớn ở hướng Nam, 3 cổng nhỏ ở các mặt Đông Tây và 2 cửa phụ thông qua lục viện ở hai bên. Sau khu này là lối thông vào vườn thượng uyển. Bước trên những bậc thang của điện Thái Hòa, đi dọc xuống 2 bên thang xiêng dành cho kiệu vua di chuyển, thưc hiện bằng nguyên tảng Hán bạch thạch có chạm ngũ long tranh châu uốn khúc trong các đám mây. Tiếp tục đi qua sân đá hẹp, trải rộng theo chiều ngang, ngăn 2 khu Triều Ngoại và Nội Đình, bước lên sân thượng để vào cổng chính: Càn Thanh môn với 2 dãy tường dày mầu đỏ tía, dưới có đế, trên lợp mái ngói vàng. Qua cửa Càn Thanh này là 3 tòa hậu điện xếp thành hàng chữ nhất: Càn Thanh cung là tẩm cung của các hoàng đế triều Minh và các vua Thuận Trị triều Thanh.

     

    Trên đây là một số tài liệu sưu tầm và tổng hợp nhằm soi sáng một công trình kiến trúc mà bấy lâu nay bị bụi thời gian phủ kín.

     

    LÊ THANH HOA


  8. Ðánh giá Nguyễn An

    Ngày nay, mỗi ngày có hàng vạn khách du lịch thập phương đến thăm Cố cung. Ai nấy đều vô cùng khen ngợi cảnh kiến trúc đồ sộ, huy hoàng, tráng lệ, tầng tầng lớp lớp, nào cung nào điện, tường đỏ ngói vàng, đặc biệt là điện Thái Hòa với nét kiến trúc độc đáo và quy mô to lớn, hùng vĩ hiếm thấy của nó trên đời, khiến cho người người hết lời tán thưởng. Các cung điện trưng bày các của báu về nghệ thuật lại càng khiến cho mọi người ưa chuộng. Nhưng mấy ai được biết rằng điện Thái Hòa này trước kia vốn do một người Việt Nam quy hoạch, thiết kế, xây dựng nên.

     

    Nguyễn An là người Việt Nam vì sao tới Bắc Kinh? Do đâu được các vua chúa nhà Minh tin yêu như vậy? Muốn tìm hiểu vấn đề này, ta hãy quay ngược dòng thời gian, lần tìm những trang sử cũ.

     

    Ðời vua Vĩnh Lạc năm thứ 5 (1407), Trương Phụ, một vị tướng trẻ 33 tuổi đã bình định vùng An Nam trong vòng 8 tháng. Sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly (Hồ Quý Ly tổ tiên gốc người Chiết Giang, Trung Quốc), Trương Phụ theo lệnh vua, khôi phục địa danh "Giao Chỉ" như đời Hán, tỏ ý sau hơn 400 năm địa phương cát cứ, độc lập, Trung ương mất đất, giờ khôi phục lại chủ quyền của Trung Quốc trên phần đất này. Tháng 10 năm 1407, căn cứ theo chiếu chỉ của Minh Thành Tổ, "Sau khi bình định vùng An Nam, nên rộng rãi tìm kiếm các người hiền đức và có tài nghề trong vùng, đối xử lễ phép, tuyển đưa về Kinh", Trương Phụ cho người đưa 9.000 các loại nhân tài hiền đức, giỏi về Minh kinh, văn hóa và binh pháp cùng với 7.700 các loại nghệ nhân về Nam Kinh cho nhà vua tuyển dùng. Ngoài ra, Trương Phụ còn chọn một số thanh, thiếu niên Giao Chỉ dáng mạo thông minh, tuấn tú đưa về Nam Kinh, cho ăn học, đào tạo làm Thái Giám để hầu giúp vua, trong số đó có Nguyễn An, Phạm Hoành, Vương Cẩn.... (Tháng 11 năm đó, cha con Hồ Quý Ly bị Liễu Thăng đưa về Trung Quốc, vì là tội nhân, nên không thuộc diện này. Hồ Quý Ly sau được tha về Quảng Tây làm lính tuần, con trưởng của Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương, do giỏi về binh khí, dâng vua súng thần, được cử trông coi chế tạo vũ khí, năm 1445 được thăng làm Công bộ Thị lang. Con cháu Hồ Hán Thương nối nghiệp cha, làm đến chức Hữu Thị lang Công bộ). Nhà Minh từ đời Tuyên Ðức trở đi, quyền hành của Thái giám rất lớn, thế lực của phe Thái giám Giao Chỉ lại càng mạnh. Mọi việc bảo vệ, phò tá Thái Tử, quyết định chinh chiến đối ngoại, đề cử các quan chức trông coi việc ngoại thương, nắm giữ quyền hành về tài chính.... đều có Thái giám phe Giao Chỉ tham dự, chẳng hạn như Phạm Hoành dùng hơn 70 vạn lạng bạc đi xây cất chùa Vĩnh An (Vĩnh An Tự) ở Hương Sơn, tây nam Bắc Kinh; Vương Cẩn (tức Trần Vũ) được chiếu vua cho miễn chết, lại được ban cho cung nữ và hàng vạn lạng bạc. Nguyễn An được các vua Thành Tổ, Anh Tôn tin dùng giao cho trọng trách xây dựng Bắc Kinh.....

     

    Trong thời kỳ xã hội phong kiến chuyên chế ở Trung Quốc, bọn hoạn quan đã gây ra nhiều tội ác. Số người tốt rất hiếm. Nguyễn An tuy là Thái giám, nhưng ông có khác với những Thái giám thường khác. Không những có công trong việc xây dựng Bắc Kinh, mà còn có nhiều cống hiến trong công việc trị thủy. Sử sách cho biết, Nguyễn An ngoài công việc thiết kế chỉ huy xây dựng các công trình quan trọng ở Bắc kinh ra, còn phụ trách công tác trị thủy ở sông Dương Thôn, sông Tái Dương và sông Thu Lịch. Ðiều đó có lẽ là vì công việc của Công bộ là trông coi về xây dựng các công trình kiến trúc và thủy lợi mà Công bộ thời đó do Nguyễn An phụ trách. Nguyễn An cũng từng trông coi việc vận tải đường thủy từ Thông Châu (nay là thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô) đến Nam Kinh. Năm Cảnh Thái thứ 7 (1456) đời Minh Ðại Tôn, vùng Trương Thu, Sơn Ðông, sông Hoàng Hà vở đê, hàn mãi không được. Triều đình lại cử Nguyễn An đi trị thủy, không may bị bệnh mất trên đường công tác. Công lao của Nguyễn An tuy to lớn như vậy, song ông ta sống một cuộc đời rất là thanh bạch. Khi mất, nhà còn không đầy 10 lạng bạc. Phẩm hạnh thanh cao của Nguyễn An đã khiến cho nhiều người đương thời hết sức khâm phục, cảm mến. Có người nhận xét rằng, Nguyễn An cùng với Trịnh Hòa [9] là hai vị Thái giám xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Nhưng nay, tên nhà hàng hải Thái giám Tam bảo Trịnh Hòa ở Trung Quốc cũng như trên thế giới, nhiều người rất quen thuộc, nhưng tên tuổi của Nguyễn An thì không mấy ai được biết. Ngay cả giới sử học Trung Quốc đa số cũng chẳng biết Nguyễn An là ai. Ðó cũng là một điều bất hạnh.

     

    Theo người viết thì đem Nguyễn An đi so sánh với Trịnh Hòa là một việc không cần thiết. Vì lẽ hoàn cảnh sinh hoạt của mỗi người một khác. Phạm vi hoạt động của họ cũng không giống nhau. Khuếch đại vai trò của Nguyễn An trong đầu thế kỷ 14, nói ngay từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ mới bắt đầu xây dựng thủ đô Bắc Kinh, Nguyễn An đã phụ trách tổng thiết kê xây dựng Bắc Kinh như các tác giả "Trung-Việt quan hệ sử giản biên" là chuyện khó tin (Xem "Trung-Việt quan hệ sử giản biên", đồng tác giả Hoàng Quốc An, Dương Vạn Tú, Dương Lập Băng và Hoàng Tranh, Nhà xuất bản Nhân dân Quảng Tây xuất bản, Nam Ninh, 1986). Vì làm thế, xa rời sự thật. Trương Phụ đưa người Giao Chỉ sang Trung Quốc, đợt đầu tiên và đợt thứ hai vào tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Ðột thứ ba vào tháng 11 năm đó. Lúc bấy giò, Nguyễn An mới hơn 10 tuổi, lại chưa sang đến Trung Quốc, làm sao có thể phụ trách thiết kế các công trình kiến thiết quan trọng ở Bắc Kinh? Ông Thanh An nói năm 1407, Nguyễn An còn là một cậu bé, nhưng ngược dòng thời gian - năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Nguyễn An đã "hai mươi mấy tuổi" "đảm đương một công công trình trọng đại", phụ trách thiết kế, xây dựng lưỡng cung và tam điện lúc bấy giờ, lại càng khó hiểu (xem Làng Văn số 116 trang 67, bài " Ðất nước ngàn năm văn hiến"). Nhưng nếu cho rằng lúc bấy giờ, Nguyễn An sinh sống ở nước ngoài, mọi cống hiến của ông ta đều không dính dáng gì tới người trong nước nên gạt bỏ Nguyễn An ra ngoài lịch sử Việt Nam thì tôi thấy đó là chuyện đáng tiếc. Nếu cho vậy là đúng thì từ nay, khi học lịch sử Việt Nam, chúng ta không nên nhắc lại những tên Lý Ông Trọng, Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm, Khương Công Phụ [10] và hàng ngàn người Việt Nam tài giỏi khác lúc sinh thời do hoàn cảnh phải sống nơi xa quê cha đất tổ. Ðem Nguyễn An đi so sánh với một số người đời nay, thì tôi thấy Nguyễn An vẫn đáng cho chúng ta khâm phục, kính mến. Vì ít nhất, ông ta không phải là phường ích kỷ hại người, lừa thầy phản bạn, bán nước buôn dân, bóc lột, đày ải đồng bào, đưa đất nước, dân tộc đến chỗ bần cùng, lạc hậụ Tuy sống ở nước ngoài, nhưng Nguyễn An đã không làm nhơ danh tổ tiên, dân tộc, để tiếng xấu lại cho muôn đời.

     

    Cách đây 6 năm, tôi có viết một bài nhan đề là "Năm Thìn kể chuyện Rồng" phát biểu trên tạp chí Quê Mẹ số Xuân Giai Phẩm ở Pháp. Trong bài đó, phần đầu bàn về nguồn gốc hình thành khái niệm "Rồng", phần thứ hai nói về những diễn biến của ý nghĩa "Rồng" qua các thời đại, phần cuối liên hệ tới hiện tình Việt Nam, đưa ra nguyện vọng mong mỏi mọi người Việt Nam ngày nay, bất cứ đang sống trong hoàn cảnh nào, đều nên sống sao cho ra sống, sống sao không hổ thẹn với non sông đất Việt, sống sao không nhơ danh dòng giống Tiên Rồng. Hôm nay, ngồi trước máy điện toán cá nhân, gõ mấy dòng chữ nói về Nguyễn An này, người viết không có ý định khuyến khích mọi người bỏ nước ra đi tìm cảnh giàu sang phú quý hay phục vụ cho nước ngoài để vinh thân phì gia, tận hưởng vật chất, mà chỉ là muốn ghi lại một sự việc có liên quan tới Việt Nam, hầu cung cấp sử liệu cho các sử gia tham khảo khi nghiên cứu, và thành tâm mong mỏi những ai đang phải sống cuộc đời lưu vong nơi hải ngoại hay đang phấn đấu ở trong nước nên cố gắng, sống sao cho ra sống, sống sao không hổ thẹn với cha ông, tiên tổ, sống sao cho xứng đáng là dòng dõi Lạc Hồng. Chỉ có thế thôi.

     

    Nguyễn Sang

     

    San Jose ngày 12 - 4 - 1994


  9. 1. Thành trì Bắc Kinh.

     

    Thành trì Bắc Kinh đời Minh lúc đó chu vi 68 dặm. Do cấu tạo thuần túy bằng đất, nên tường thành dễ bị sụp đổ. Những năm Vĩnh Lạc (1403-1424), Tuyên Ðức (1426-1435) có tu sửa đôi chút, nhưng bên trong tường thành vẫn còn làm bằng đất, nên gặp phải khi mưa dầm lụt lội, tường thành thường hay sụp đổ.

     

    Ðến đời vua Anh Tôn năm thứ 10 (1445), Nguyễn An vâng lệnh triều đình đốc công tu sửa tường thành, kể cả phía trong và phía ngoài, khiến cho tường thành Bắc Kinh từ đó cao đến 3 trượng 5 thước (đời Minh mỗi thước dài 31,1 cm hiện naỵ 3 trượng rưỡi tức là 10 mét 88,5 cm), nền tường thành dày 6 trượng 2 thước (19 mét), mặt thành rộng 5 trượng (15,5 mét). Mấy năm trước đây, các tường thành Bắc Kinh đều bị phá hủy hết.

     

     

    2. Chín cửa thành lầu.

     

    Chín cửa thành lầu do Nguyễn An thiết kế, đốc công xây dựng lúc đó là các cửa nội thành: cửa Chính Dương, cửa Sùng Văn, cửa Tuyên Vũ, cửa Triều Dương, cửa Ðông Trực, cửa Phủ Thành, cửa Tây Trực, cửa An Dinh và cửa Ðức Thắng. Mỗi cửa thành trên đều có xây lầu chính và một nguyệt thành - một thành nhỏ hình bán nguyệt bao quanh che chở cho cửa thành. Do kiến trúc nguy nga đồ sộ, hùng vĩ, nên sau khi xây xong đều trở thành những thắng cảnh ở kinh đô lúc bấy giợ Rất tiếc là hầu hết các cửa thành lầu này qua thời gian trên 500 năm, trải qua nhiều cuộc biển dâu, nay chỉ còn có cửa thành lầu Chính Dương tồn tại.

     

    Cửa Chính Dương (Chính Dương Môn) nay gọi là Tiền Môn, nằm ở phía nam quảng trường Thiên An Môn, là cửa chính của Nội thành Bắc Kinh đời Minh và đời Thanh, được xây dựng từ đời Vĩnh Lạc năm thứ 19 (1421), cao 42 mét, mặt tiền rộng bảy gian, ngói ống màu xám, phía cạnh màu xanh lá cây, mái to mà cong, dưới mái, mặt tiền và mặt hậu có nhiều cửa to và cửa sổ, cửa sổ hình trám. Tầng dưới tường gạch màu đọ Mặt trước và mặt sau có một cửa to dùng để cho người qua lại hay xe cộ ra vào. Trên lầu thành, còn có lầu cao dùng để bắn tên, gọi là "tiễn lầu". Hình dáng nóc, mái tiễn lầu cũng giống như thành lầu, có khác là trên tường dưới mái hiên ở ba phía đông, tây và nam có tất cả 82 cửa nhỏ dùng để nhắm bắn tên ra bên ngoàị Phía bắc chia thành 5 gian, có ba cửa thông ra sân thành lầu. Cửa lầu thành Chính Dương từng bị hỏa hoạn và chiến tranh phá hoại nhiều lần, nhưng nhờ đuợc tổ chức trùng tu, nên kết quả hình thành cảnh vật như ngày nay.

     

    3. Hai cung, ba điện.

     

    Hai cung ba điện là một quần thể kiến trúc to nhất ở Cố cung.

     

    Cố cung cũng gọi là "Tử Cấm Thành", là hoàng cung của nhà Minh và nhà Thanh, nằm ở trung tâm thành phố Bắc Kinh. Nơi đây bảo tồn quần thể kiến trúc cổ đại Trung Quốc quy mô to nhất và hoàn chỉnh nhất, là trung tâm tiêu biểu cho chế độ phong kiến quân chủ lâu dài vào bậc nhất thế giớị Năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406), Minh Thành Tổ bắt đầu xây dựng Bắc Kinh. Lúc bấy gió, công trình trọng điểm là xây cất Tử Cấm Thành (Hoàng cung) và hoàng thành. Tử Cấm Thành nam bắc dài 960 mét, đông tây rộng 760 mét, trong đó, theo đường trục giữa, phía trước có ba tiền điện: điện Phụng Thiên, điện Hoa Cái và điện Cẩn Thân. Phía sau có ba hậu điện: cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh. Cửa chính Tử Cấm Thành là cửa Ngọ Môn ở phía nam. Cửa bắc là Huyền Vũ Môn. Hai phía đông tây có cửa Ðông Hoa Môn và Tây Hoa Môn. Chung quanh Tử Cấm Thành có sông đào bao bọc bảo hô Hai bên bờ dùng đá miếng xếp thành. Ðồng thời tiến hành còn có các công trình cải tạo thủ dô Bắc Kinh. Ngoài ra, ở Nam giao (ngoại ô phía nam) Bắc Kinh còn xây dựng Thiên Ðàn với quy mô to lớn. Những công trình này khởi công xây dựng từ năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406) tới năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420) cơ bản hoàn thành, trải qua 570 năm, 24 đời vua. Tuy đời Minh và đời Thanh có tu sửa và mở mang nhiều lần, song bố cục vẫn như buổi ban đầu.

     

    Cố cung ngày nay chiếm diện tích 72 vạn mét vuông, cung điện, lầu gác, kiến trúc trên 9900 ngôi (ngụ ý "cửu cửu"), diện tích kiến trúc là 15 vạn mét vuông. Chung quanh là tường thành cao hơn 10 mét, chu vi dài độ 3 cây số. Bốn góc có lầu gác, phong cách độc đáo, tráng lệ. Ngoài tường hoàng thành có sông đào bao quanh hộ vệ thành, mặt sông rộng 52 mét, khiến cho hoàng cung thành một thành lũy trang nghiêm, kiên cố. Cách bố cục của các kiến trúc trong Cố cung ngày nay vẫn chia thành 2 phần: phần triều ngoại và phần hướng đình. Phần triều ngoại lấy ba điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa làm trung tâm, hai điện Văn Hoa và Vũ Anh ở hai bên cạnh sườn. Phía nam Cố cung là một sân trước (tiền đình) hình dài theo chiều nam bắc, có cửa Thiên An Môn và cửa Ðoan Môn, hình thành trước cung điện có một loạt dài kiến trúc. Cửa chính hoàng thành là cửa Ngọ Môn ở phía nam, cửa bắc là Thần Vũ Môn, cửa đông là Ðông Hoa Môn, cửa tây là Tây Hoa Môn. Sau Ngọ Môn là một quảng trường hình vuông. Giữa quảng trường có con sông nhỏ - sông Kim Thủy uốn khúc lượn quanh. Trên sông Kim Thủy có 5 chiếc cầu làm bằng đá trắng Hán Bạch ngọc. Phía bắc, sau cầu Kim Thủy, là cổng Thái Hòa mái to, hai bên có 9 điện nhỏ. Hai phía đông tây có hai cổng Hiệp Hòa và Hy Hòa có thể thông sang điện Văn Hoa và điện Vũ Anh. Sau khi vào cổng Thái Hòa, đối diện là điện Thái Hòa. Sau điện Thái Hòa là điện Trung Hòa. Tiếp đó là điện Bảo Hòa Ba điện này đều hình vuông, tường đỏ, xây trên nền đá trắng Hán Bạch ngọc cao độ 2 mét, theo hình chữ "công" (ứu), mái bốn phía lợp ngói lưu ly, chóp mũi nhọn mạ vàng. Bốn bề của ba điện trên có mái che, dưới có trụ đá vây quanh. Trên các trụ đá, điêu khắc rồng bay phượng múa. Mặt tiền và mặt hậu của mỗi điện, mỗi phía có ba bậc thềm đa. Giữa các bậc đá đó có điêu khắc Ngự lộ với hình rồng lượn trên mây, sóng gợn phía dưới.

     

    Ðiện Thái Hòa phía trước rộng 11 gian, phía sau sâu tới 5 gian. Ðiện cao 35 mét, bề ngang 63 mét, mái cong to, kết cấu điện phức tạp, tổng diện tích là 2.377 mét vuông. Các trụ cột trong điện đều được sơn son thếp vàng, đầy vẻ giàu sang phú quỵ Ðiện Thái Hòa là kiến trúc điện cấu tạo bằng gỗ to nhất và đẹp nhất ở Cố cung cũng như ở Trung Quốc ngày nay. Các vị hoàng đế Trung Hoa đời Minh, đời Thanh trước đây thường ngự trên chiếc ngai vàng tượng trưng cho vương quyền phong kiến ở trong điện này để chủ trì các buổi lễ lớn, quan trọng như lên ngôi, mừng sinh nhật, Tết Xuân, Tết Ðông Chí, Xuất chinh....

     

    Ðiện Trung Hòa là nơi nhà vua tiếp kiến thành viên Nội các, Lễ bộ và Thị vệ triều bái, đôi khi cũng xem biểu chương, chúc từ và làm việc ở đây.

     

    Ðiện Bảo Hòa nằm ở sau điện Trung Hòa, hàng năm đến đêm trừ tịch, nhà vua thường làm tiệc thết đãi các hoàng thân vương công quý tộc và quần thần văn võ trong kinh đô lúc đó. Cuối đời Càn Long, nơi đây trở thành chốn điện thi (thi đình) cho các khảo sinh sau khi qua các đợt thi hương, thi hội.

     

    Phần nội đình (cũng gọi là hướng đình) bắt đầu từ cổng Càn Thanh nằm sau điện Bảo Hòa. Các kiến trúc ở đường trục giữa có cung Càn Thanh, điện Giao Thái và cung Khôn Ninh. Cuối cùng là Vườn hoa Ngự và điện Khâm An. Hai phía đông, tây điện Càn Thanh có 6 Ðông cung và 6 Tây cung. Ðây là nơi nhà vua cùng các hậu phi, hoàng tử cư ngụ, vui chơi và thờ cúng. Phía nam 6 Ðông cung là điện Phụng Thiên, Trai quán và cung Dục Khánh. Phía trước Tây cung là điện Dưỡng Tâm. Phía đông đường trục giữa có nhóm cung Ninh Thọ. Phía tây đường trục giữa có các cung Từ Ninh, Thọ Khang và điện Anh Hoa. Cung Ninh Thọ và cung Từ Ninh còn có vườn hoa riêng....

     

    Hai cung Càn Thanh và Khôn Ninh do Nguyễn An thiết kế, xây dựng lại đời vua Anh Tôn, đời Thanh tuy có trùng tu nhiều lần, song tên vẫn giữ y như cũ. Ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân xây dựng lần đầu tiên hoàn thành vào tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 18 (1420). Tết nguyên đán tháng giêng năm sau (1421), Minh Thành Tổ ra ngự ở điện Phụng Thiên nghe quần thần chúc mừng, và đại xá toàn quốc. Nhưng đến ngày mồng 8 tháng 4 năm đó, ba điện này đều bị sét đánh, lửa cháy, thiêu hủy ra tro tàn.

     

    Các cung điện của Trung Quốc thời cổ, kết cấu đa số làm bằng gỗ, nên rất dễ bị lửa bốc cháy. Ngoài việc binh đao khói lửa chiến tranh phá họai gây ra, hiện tượng bị sét đánh bốc cháy cũng là nguyên nhân chính đưa đến tai nạn hỏa hoạn. Vì hồi đó, Trung Quốc chưa có kim thu lôi. Một khi vật kiến trúc to lớn bằng gỗ bị sét đánh thì dễ xảy ra hỏa hoạn, và thường thường là bị thiêu trụi, vô phương cứu chữa. Sau trận hỏa hoạn này, vua Minh đành chỉ ngự triều ở cửa Phụng Thiên, vì không còn khả năng tài chính để xây dựng lại nữa. Mãi cho đến đời chắt của Thái Tôn là vua Anh Tôn, tức Chu Kỳ Trăn, nước nhà thái bình, nông dân được mùa, trong và ngoài nước không có việc chinh chiến, dân giàu nước mạnh, mới có sức người và sức của đi trùng tu lại. Tháng 3 năm Chính Thống thứ 6, Minh Anh Tôn phái Nguyễn An thiết kế, tổ chức thi công xây dựng lại ba điện này, kết quả so với đợt xây dựng trưóc càng thêm tráng lệ huy hoàng. Nhưng đến ngày 13 tháng 4 âm lịch năm Gia Tĩnh thứ 36 (1557), Bắc Kinh lai gặp phải một trận mưa to gió lớn, giờ Tuất (độ 7-9 giờ tối), đột nhiên có một trận lửa bốc cháy. Ngọn lửa bắt đầu từ điện Phụng Thiên, cháy lan ra điện Hoa Cái và điện Cẩn Thân, gây ra thiệt hại nặng nề.

     

    Ðến năm Gia Tĩnh thứ 38 (1559), tham khảo đợt xây dựng trước, ba điện lại một lần nữa được khởi công xây dựng lại. Ngày 3 tháng 9 năm 1562, công trình hoàn thành. Lần này, điện Phụng Thiên được đổi tên thành điện Hoàng Cực, điện Hoa Cái đổi thành điện Trung Cực, điện Cẩn Thân đổi thành điện Kiến Cực. Ðến đời Thuận Trị năm thứ 2 (1645), lại đổi tên ba điện thành Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cho đến ngày nay.

    Qua những điều kể trên, chúng ta có thể thấy rõ tác dụng của Nguyễn An trong công cuộc xây dựng Bắc Kinh và hoàng cung nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Người Mãn Thanh từ đông bắc Trung Quốc, ngoài Trường Thành vào làm chủ Trung Nguyên, song le, mọi chế độ, cung đình đều giữ y theo nhà Minh. Vì thế, Cố cung nhà Thanh hiện nay, dù đã trải qua nhiều cuộc tu sửa, mở mang, nhưng trên thực tế vẫn là Cố cung của nhà Minh. Ngày nay, nếu ta theo đường phía tây đi tham quan Cố cung, vẫn còn có thể trông thấy một số kiến trúc cung điện xây cất từ đời nhà Minh. Vì thế, phủ nhận sự đóng góp của Nguyễn An về mặt này là một điều thiếu khách quan.

     

    Thực ra, Nguyễn An không những là một nhà tổng kỷ sư kiến trúc thiên tài, mà còn là một nhà tổ chức, chỉ huy xuất sắc xây dựng các công trình quan trọng thời bấy giờ. Tháng 10 năm 1436 đời vua Minh Anh Tôn, khi chuẩn bị xây dựng công trình chín cửa thành lầu ở Kinh Sư, Công bộ Thị lang Thái Tín cho rằng: "Một công trình quy mô to lớn như vậy, cần phải có nhiều sức lao động, ít nhất phải trưng dụng 18 vạn dân phu." Nhà vua giao cho Nguyễn An toàn quyền phụ trách công trình này. Nguyễn An chỉ lấy có hơn 1 vạn quan binh đang thao luyện ở Kinh Sư cho tạm ngừng thao tập, tổ chức họ tham gia xây dựng chín cửa thành lầu. Ðể cho quan binh làm tốt nhiệm vụ này, Nguyễn An đã phát lương bổng và cung cấp thực phẩm đầy đủ cho đội quân lao động ấy. Trong quá trình xây cất, Nguyễn An lại chú ý tổ chức họ kết hợp lao động và nghỉ ngơi một cách thích đáng. Kết quả, tháng giêng năm 1437 khởi công, đến tháng 4 năm 1439, chín cửa thành lầu, bao gồm cả hào thành, cầu cống có liên quan đều hoàn tất một cách tốt đẹp. Như trên đã nói, công trình quy mô to lớn này, đáng lẽ phải huy động tới 18 vạn dân phu, song le, Nguyễn An chỉ dùng có hơn 1 vạn quan binh là có thể hoàn thành nhiệm vụ đạt yêu cầu. Dân chúng không ai bị quấy nhiễu. Dương Kỳ, người đời Minh đã viết trong bài "Ðô thành lam thắng thi lãm" trong quyển thứ 23 "Ðổng lý tục tập" rằng: "Sở dĩ sự việc nêu trên đạt được thành công, đó là do Nguyễn An giỏi về quy hoạch, trung thành với việc công, đối với thuộc hạ, nhiệt tình quan tâm, giúp đỡ, nên mới có kết quả như vậy."

     

    Tháng 3 năm 1440, Nguyễn An vâng mệnh vua Anh Tôn xây lại ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân (tiền thân của ba điện Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa ngày nay). Trong đợt xây dựng này, Nguyễn An chỉ huy 7 vạn thợ nghề và quan binh hiện dịch tạm ngừng thao luyện để tham gia thi công. Ðến tháng 10 năm sau (1441) thì hoàn thành toàn bộ công trình. Kết quả, vua Anh Tôn rất vừa ý, trọng thưởng cho Nguyễn An. Ðiều khiển một đoàn quân lao động gồm 70 ngàn người, nếu người chỉ huy không có tài tổ chức, biết cách điều động, xếp đặt, thì tất không thể nào khiến cho mọi người đều tin phục mình mà chung sức chung lòng trong vòng thời gian ngắn một năm rưỡi hoàn thành xong toàn bộ ba công trình to lớn, phức tạp như vậy.


  10. Nguyễn Sang

     

    Ngày nay, nhiều khách Trung Hoa khi tham quan hoàng thành và cung đình nhà Nguyễn ở Huế thường hay nói các vua chúa nhà Nguyễn đã bắt chước kiểu Cố cung của Trung Quốc mà xây dựng hoàng cung và cung điện của mình, nhưng quy mô bé nhỏ hơn nhiều. Mặt khác, bất cứ thượng khách của quốc gia nào trên thế giới hay là khách du lịch ngoại quốc nào tới thăm Bắc Kinh, các cán bộ và lãnh đạo Trung Quốc thường hay giới thiệu cho họ đi tham quan Cố cung, một di tích hoàng cung triều Minh, triều Thanh có quy mô to lớn, gồm nhiều cung điện nguy nga đồ sộ, tráng lệ huy hoàng, sân đình rộng thênh thang, nổi tiếng thế giới. Nhưng rất ít ai được biết công lao đóng góp quan trọng của nhà kiến trúc thiên tài Việt Nam, Nguyễn An trong những công trình kiến trúc vĩ đại này.

     

     

    Lược sử thành phố Bắc Kinh

     

    Thành phố Bắc Kinh hiện nay có một lịch sử lâu dài. Ngay từ đời nhà Chu, khi Trung Quốc còn đang ở trong thời kỳ xã hội nô lệ (trước công nguyên 11 thế kỷ), vùng này đã là một thị trấn quan trọng của đất phong của con cháu vua Nghiêu. Ðến đời Xuân Thu (trước công nguyên 720-476 năm), Chiến Quốc (trước công nguyên 475-221 năm), nơi đây là kinh đô của nước Yên. Qua đến đời Tần (trước công nguyên 221-206 năm) thì vùng này thuộc về các quận Quảng Dương, Ngũ Dương và Thượng Cốc. Sang đến đời Hán (trước công nguyên 206-công nguyên 220 năm) và đời Ðường (công nguyên 618-907 năm), vùng này thuộc Bộ Thứ Sử U Châu quản hạt. Năm 938, vua Thái Tôn nhà Liêu lấy nơi đây làm kinh đô phụ và đổi tên thành Yên Kinh (kinh đô chính của nhà Liêu ở Thường Kinh, nay là thành Ba Lê, Taý Kỳ Ba Lâm thuộc tỉnh Liêu Ninh).

     

    Tới năm 1153, nhà Kim (công nguyên 1127-1279) chính thức đặt kinh đô ở Yên Kinh và đổi tên thành Trung Ðô. (Nhà Kim có tất cả 3 kinh đô: kinh đô chính ở Hội Ninh, nay là phía nam thành Á, thuộc tỉnh Hắc Long Giang; kinh đô thứ hai là Trung Ðô, nay là Bắc Kinh; kinh đô thứ ba là Nam Kinh, nay là thành phố Khai Phong thuộc tỉnh Hà Nam). Ðến đời Nguyên, Trung Ðô được dùng làm thủ đô của đế quốc triều Nguyên, nhưng được đổi tên gọi là Ðại Ðô. Năm 1368, Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Minh (1368-1644), đóng đô ở phủ Khai Phong, cố đô của triều Bắc Tống. (nay là thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam). Thủ đô Ðại Ðô của nhà Nguyên được đổi tên thành Bắc Bình. Năm 1403, Chu Lệ (Minh Thành Tổ) lên ngôi, đổi tên phủ Bắc Bình, đất phong của mình thời còn làm Yên Vương thành phủ Thuận Thiên. Ba năm sau (1406), Minh Thành Tổ tổ chức quân dân tiến hành các công trình xây dựng liên tiếp 18 năm trời, tới năm 1424, các công trình ấy hoàn thành, vua Thành Tổ dời đô tới phủ Thuận Thiên, đồng thời đổi tên nơi đây thành Kinh Sư. Tới năm 1425, vua Nhân Tôn nhà Minh, tức Chu Cao Xí, lại đổi Kinh Sư thành Bắc Kinh. Năm 1441, vua Anh Tôn, tức Chu Kỳ Trấn, chính thức lập Bắc Kinh làm kinh đô nước mình.

     

    Năm 1644, triều Mãn Thanh sau khi diệt nhà Minh, cũng đóng đô ở Bắc Kinh, trải qua 267 năm, cho tới năm 1911, mới bị quân đội cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo lật đổ. Nước Trung Hoa Dân Quốc sau khi thành lập lúc đầu vẫn đặt thủ đô ở Bắc Kinh, tới năm 1928, mới dời đô về Nam Kinh. Bắc Kinh do đó lại dược đỏi tên lại thành Bắc Bình. Sau ngày 1-10-1949, Chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa do Ðảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo ra đời, lấy Bắc Bình làm thủ đô, khôi phục lại địa danh là thành phố Bắc Kinh cho tới nay. Hiện nay, sách báo phương tây quen gọi thủ đô Bắc Kinh là "Bei Jing" (theo âm tiếng quan thoại) hay là "Peking" (theo âm tiếng Quảng Ðông). Người Ðài Loan thì vẫn giữ cách gọi là "Bei Ping" (theo âm tiếng quan thoại, nghĩa là "Bắc Bình"). Vì lẽ họ không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền do Trung Cộng lãnh đạo.

     

    Tính từ ngày thành Kê, quốc đô của nước Yên ra đời trước công nguyên 1057 năm cho tới nay thì thành phố Bắc Kinh đã có 3050 năm lịch sử. Nếu tính từ ngày Bắc Kinh trở thành trung tâm chính trị và thủ đô của chính quyền thống nhất toàn Trung Quốc (năm 1267) thì Bắc Kinh đã được 726 năm lịch sử.

     

     

    Ai thiết kế, tổ chức xây dựng các công trình quan trọng Bắc Kinh đời Minh?

     

    Trước ngày nhà Kim đặt quốc đô ở nơi đây, quy mô Bắc Kinh vẫn còn nhỏ lắm. Năm 1149, vua Hải Lăng nhà Kim là Hoài Nhan Lượng định dời đô đến đất Yên Châu, bèn sai thợ vẽ vẽ đồ án, quy cách cung điện Biện Kinh, cố đô của triều Bắc Tống để làm mẫu. Sau đó, động viên 800 ngàn dân phu và 400 ngàn binh lính tiến hành xây dựng và cử Lương Hán Thần làm Chánh Sứ Ðại Nội Yên Kinh, Khổng Nhân Chu làm Phó Sứ, phụ trách điều khiển đoàn quân xây dựng này. Trải qua 3 năm vất vả xây cất, các công trình này mới hoàn thành. Di tích ấy hiện vẫn còn ở vùng cửa thành Hội ở phía tây nam ngoại ô thành phố Bắc Kinh ngày nay.

     

    Người thiết kế và tổ chức các công trình xây dựng đô thành và cung điện Ðại Ðô, thủ đô của nhà Nguyên theo các sử gia nghiên cứu là một người Á Rập, tên là Dã Hắc Diệp Nhi. Vậy ai là người đứng ra thiết kế và tổ chức thi công xây dựng các công trình hoàng cung và thành phố Bắc Kinh đời Minh cách đây hơn 500 năm?

     

    Cách đây hơn 40 năm, có một nhà sử học Trung Quốc tên là Trương Tú Dân liên tiếp phát biểu một số bài vở ghi nhớ công lao của Nguyễn An trên các báo chí đương thời với những đầu đề như "Dân chúng Bắc Bình nên kỷ niệm Nguyễn An, vị Thái giám nhà Minh, người An Nam" [1], "Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng Ðại Bắc Kinh" [2], "Sự đóng góp của người Giao Chỉ cho Trung Quốc đời Minh" [3]. Sau năm 1953, các nhà sử học Việt Nam như Trần Văn Giáp, Minh Tranh, Ðào Duy Anh và Ðặng Thai Mai lần lượt sang thăm Trung Quốc, đến Thư viện Bắc Kinh thu thập sử liệu Việt Nam. Phía Trung Quốc nhiều lần giới thiệu với khách Việt Nam về những cống hiến của Nguyễn An đối với công cuộc xây dựng Bắc Kinh và coi đó là giai thoại về mối tình hữu nghị Việt-Trung lâu đời. Nhưng những năm gần đây, nhiều tài liệu Trung Quốc khi nói tới các công trình xây dựng Bắc Kinh đời Minh, chẳng hạn như quyển "Niên Biểu Ðại Sự Lịch Sử Trung Quốc" và quyển "Giới Thiệu Sơ Lược Về Cố Cung" của Thẩm Khởi Vĩ khi nhắc tới chuyện Minh Thành Tổ và Minh Anh Tôn xây dựng Bắc Kinh, đều không có tên của Nguyễn An. Quyển "Danh lam cổ tích Bắc Kinh" liệt kê danh sách những người tham dự công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh, có Ngô Trung, Thái Tài, thợ mộc Khoái Tường, thợ nề Dương Thanh và thợ đá Lục Tường, nói "Lục Tường có đóng góp rất to trong công cuộc xây dựng cung điện Bắc Kinh". Tuy quyển này có thừa nhận sự đóng góp về quy hoạch thiết kế và thi công của Nguyễn An cũng không nhỏ, nhưng đặt tên của Nguyễn An ở chỗ cuối cùng, đứng sau cả thợ nề, thợ đá. Ðiều đó hiển nhiên là một sự bất công. Cuốn "Kỷ Niên Lịch Sử Bắc Kinh" ghi chép đời vua Minh Anh Tôn có hạ lệnh cho Thái giám Nguyễn An xây dựng chín cửa thành lầu Kinh Sư và đốc công xây dụng tường thành Bắc Kinh, nhưng khi nói đến các công trình kiến trúc quy mô lớn nhất thời đó như hai cung, ba điện thì lại không có tên tuổi của Nguyễn An. Hơn nữa, lại lầm đem Tây cung đặt vào vị trí của Cố cung ngày nay, đem điện Phụng Thiên của Tây cung gán vào điện Phụng Thiên-Thái Hòa của Cố cung ngày nay [4]. Vĩnh Lạc năm thứ 8 (1410) và năm thứ 12 (1414), vua Minh Thành Tổ hai lần thân chinh, khi ban sư về triều, đã làm lễ chúc mừng ở điện Phụng Thiên. Ðiện Phụng Thiên này là điện Phụng Thiên của Tây cung, chứ không phải là điện Phụng Thiên-Thái Hòa của Cố cung ngày nay. Vì điện Phụng Thiên-Thái Hòa của Cố cung mãi tới năm Vĩnh Lạc thứ 15 (1417) mới bắt đầu khởi công xây cất.

     

    Mấy năm trước đây, tạp chí "Văn Hiến" do Thư viện Bắc Kinh xuất bản lại đem công lao xây dựng hoàng cung Bắc Kinh hoàn toàn quy vào một anh thợ mộc tên là Khoái Tường, người gốc Hương Sơn, Tô Châu, chẳng nhắc đến Nguyễn An một lời [5]. Ðiều này lại càng không phù hợp với sự thực lịch sự Các quyển "Hoàng Minh Kỷ Lược" của Hoàng Phố tuy quả có chép chuyện Khoái Tường trong những năm Vĩnh Lạc được triệu về triều tham gia công việc xây dựng hoàng cung, được vua Hiến Tôn nhà Minh khen là Khoái Lỗ Ban. Nhưng thực ra, Khoái Tường chỉ phụ trách một bộ phận của công trình. Sách "Ngô Lương Chí" đời Khang Hy chép rằng: Vĩnh Lạc năm thứ 15 (1417) xây dựng cung điện Bắc Kinh và năm 1436, đời Chính Thống vua Anh Tôn nhà Minh trùng tu lại ba cung điện với quy mô to lớn, đều do Khoái Tường phụ trách. Nhưng đây chẳng qua chỉ là những lời lẽ khoe khoang ở chốn quê nhà. Các sử sách chính thức của nhà Minh, như "Minh Sử", "Minh Thực Lục" đều không có ghi chép như thế. Ngược lại, nhiều sử sách khi nói đến các công trình xây dựng quan trọng đời Minh đều nhắc tới Nguyên An. Thí dụ như cuốn "Thủy Ðông Nhật Ký" của Diệp Thịnh đời Minh ghi chép rằng: "Nguyễn An, cũng gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện, năm phủ, sáu bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương, đều có nhiều công lao to lớn [6]. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua chỉ là những người thừa hành phận sự chấp hành những công trình do Nguyễn An quy hoạch, thiết kế ra đó thôi."

     

    Các sách "Quốc Triều Chính Lục" của Tiêu Hoành, "Minh Sử Thiết" của Doãn Thu Hoành đời Minh và "Minh Thư" của Phố Duy Lân, "Ngu Sơn Tập" của Thi Nhuận Chương đời Thanh đều đồng thanh nói rằng các công trình xây dựng quan trọng ở Bắc Kinh thời đó như thành trì Bắc Kinh, chín cửa thành lầu, hai cung, ba điện và các dinh thự năm phủ, sáu bộ của triều đình nhà Minh đều do Nguyễn An một tay phụ trách thiết kế, quy hoạch, mắt đo, bụng nhẩm tính, nhanh nhẹn, chính xác, mọi việc xếp đặt đâu ra đó, đạt yêu cầu của hoàng thượng. Thuộc hạ trong ngành ai nấy đều râm rấp tuân theo. "Minh Sử" quyển thứ 304 phần phụ lục Truyện Kim Anh cũng có đoạn nói về Nguyễn An như sau: "Nguyễn An người Giao Chỉ, đầu óc minh mẫn, kỹ thuật tài giỏi hơn người, vâng mệnh vua Thành tổ xây dựng thành trì, cung điện và các dinh thự của các phủ, bộ, mắt đo, bụng nhẩm tính đâu ra đó, đều đúng kế hoạch. Công bộ chỉ biết vâng theo, chấp hành. Ðời vua Anh Tôn (1436-1449), Nguyễn An phụ trách dựng lại ba điện và trị thủy sông Dương Thôn, lập được công to". "Chính Thống Thực Lục" đời Anh Tôn quyển 54, 84, 91 và 130 cũng có ghi chép những nội dung tương tự như thế, quy công cho Nguyễn An, chẳng hạn như:

     

    "Ngày 10 tháng 2 năm thứ 6 Chính Thống (1441), hai cung ba điện xây dựng hoàn thành, nhà vua ban thưởng cho Thái giám Nguyễn An và Tăng Bảo (Sâm Bảo) mỗi người 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, 1 vạn quan tiền; thăng thưởng cho Ðô đốc Ðồng Tri Thẩm Thanh tước Tu Vũ Bá, ăn lộc 1.000 thạch, con cháu được quyền thế tập; Công bộ Thượng Thư Ngô Trung thăng chức Thiếu Soáị Các nhân viên công tác khác cũng được ban thưởng tiền bạc, lụa là khác nhau." Tháng 11 năm đó, nhân việc hai cung, ba điện xây dựng hoàn thành, nhà vua ra lệnh đại xá toàn quốc và định đô Bắc Kinh.

     

    Tháng 4 năm sau (1442), vua Anh Tôn thấy các cung điện hoàng thành đã xây dựng xong, bèn ra lệnh cho đội quân lao động ấy tiếp tục tiến quân xây phủ Tôn nhân [7], Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám [8], Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học (Quốc Tử Giám)....

     

    "Chính Thống Thực Lục" tuy không ghi chép rõ ràng việc nhà vua hạ lệnh cho Nguyễn An phụ trách những công trình này, nhưng các sử sách khác đều có nói rằng các dinh thự, ty sở thuộc 5 phủ, 6 bộ đều do Nguyễn An quy hoạch, tổ chức, xây dựng. Chỉ tiếc là những tòa kiến trúc đó về sau đều bị phá hủy hầu hết, chỉ còn lại có tòa kiến trúc Quốc Tử Giám trong cửa An Dinh là hoàn chỉnh, nay đổi thành Thư viện Thủ đô Bắc Kinh.

     

    Ðể hiểu rõ giá trị đóng góp của Nguyễn An trong việc thiết kế, xây dựng các kiến trúc thời đó, chúng ta hãy thử đi sâu nghiên cứu vài công trình quan trọng nói trên.

    • Vote tăng 1

  11. Người trấn giữ vùng đất Quảng Ninh!

    Tại những vùng biên cương của Tổ quốc , từ xưa cho đến nay , các Vương triều nước ta , luôn cắt cử những vị Tướng tài ra trấn giữ . Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thắng lợi rực rỡ lần thứ hai ( 1285 ) , Vua TRẦN NHÂN TÔNG và HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN càng nhận rõ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng biển đảo ĐÔNG BẮC . Đó cũng là lý do TRẦN QUỐC TẢNG , một vị tướng tài và là con thứ ba của QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN được cử ra trấn giữ vùng biên cương này .

    Năm Trùng hưng thứ nhất ( 1285 ) , quân Nguyên Mông xâm lược Đất nước ta lần thứ hai . Được tin đại quân do TRẦN HƯNG ĐẠO không chống cự nổi trước thế mạnh như chẻ tre của giặc , phải rút về Vạn kiếp , TRẦN QUỐC TẢNG liền mang quân của mình từ trang ấp riêng tại An Sinh ( Đông triều ) , cùng các cánh quân Hải Đông , Vân Trà , Bà Điểm hội binh , xin làm tiên phong đánh giặc . Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi , TRẦN QUỐC TẢNG , là dũng tướng có công nên được nhà Vua khen tặng cấp cho đất lập trang ấp tại Tĩnh bang ( Quảng ninh ) . Sau này , ông hai lần được Vua cắt cử ra Cửa Suốt trấn ải .

    Và như vậy , vị Thần chủ chốt được thờ tại Đền Cửa Ông chính là TRẦN QUỐC TẢNG một vị tướng tài và là con thứ ba của QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN.

    Câu đối treo cạnh một pho tượng lớn tạc một vị quan võ mặc áo hồng bào , vạt trước có đính Hổ phù chính là TRẦN QUỐC TẢNG như sau :

    Bạch đằng hộ chiến công , lương tướng uy danh kinh Bắc địa .

    Hải Đông lưu linh tích , anh hùng tâm sự đối Nam Thiên .

    Tạm dịch :

    Giúp chiến thắng Bạch đằng , tướng giỏi uy danh lừng đất bắc .

    Để dấu thiêng Đông hải . anh hùng tâm sự giải Trời Nam .

    Câu đối trên cũng nói lên nỗi lòng u uẩn của TRẦN QUỐC TẢNG , ngay cả sau khi chết , nó biểu hiện một nỗi lòng , một tâm trạng u uất không thể dãi bày cùng ai , chỉ có thể tâm sự cùng Trời Nam của Ông . Đọc trong Sử , ta thấy TRẦN QUỐC TẢNG bị cho là bị đày ra Tĩnh bang vì tội bất trung , bất hiếu . Nguyên chỉ vì câu nói buột mồm khi đang họp , muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần - " Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước " . Cái oan muốn nói ra nhưng không nói được , chỉ Trời xanh thăm thẳm kia mới hiểu được nỗi lòng của Ông . Trong cuốn " TRẦN TRIỀU HIỂN THÁNH CHÍNH KINH TẬP BIÊN " , in năm Thành thái ( 1900 ) có chép như sau : " Quốc Tuấn công cho rằng , con trai tính ưa cương dũng ấy ( Tức TRẦN QUỐC TẢNG ) , không theo đúng đạo làm con , bèn nổi giận lôi đình , đày ra cửa bể Suất Ti Tuần thuộc phủ Hải ninh , lộ An bang " .

    Thực ra hành động của HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN đối với TRẦN QUỐC TẢNG , bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ Hoàng tộc lục đục , bất hòa . Điển hình là TRẦN LIỄU ( Cha của TRẦN QUỐC TUẤN , ông nội TRẦN QUỐC TẢNG ) mâu thuẫn với Thái sư TRẦN THỦ ĐỘ và Vua TRẦN THÁI TÔNG . Trong cuốn TRẦN TRIỀU THẾ PHẢ HÀNH TRẠNG đã chép việc đó , mà người phải hứng chịu chính là TRẦN QUỐC TẢNG như sau :

    " Khi An Sinh Vương ( TRẦN LIỄU ) , sắp mất , cầm tay QUỐC TUẤN và trăn trối rằng : Mày mà không vì cha lấy được Thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt - Ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị TRẦN THỦ ĐỘ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy TRẦN CẢNH , tức Vua TRẦN THÁI TÔNG , em ruột của TRẦN LIỄU . TRẦN LIỄU phẫn uất , chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cái , chống lại TRẦN THỦ ĐỘ , nhưng thất bại bị lột hết áo mũ . Quốc Tuấn để bụng , nhưng không bao giờ cho thế là phải ".

    Đến khi trở thành QUỐC CÔNG TIẾT CHẾ , Tổng chỉ huy quân đội , nắm quyền tối cao , Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước , hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như : YẾT KIÊU , DÃ TƯỢNG, và con trai là HƯNG VŨ VƯƠNG . Cả ba người đều ngăn cản , khiến Quốc Tuấn rất mát lòng . Một hôm , Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG TRẦN QUỐC TẢNG , ông bèn nói : Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ dấy vận cũng đượv Thiên hạ . Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gương kể tội TRẦN QUỐC TẢNG : Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu , ý muốn giết QUỐC TẢNG . HƯNG VŨ VƯƠNG nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho QUỐC TẢNG , lúc đó QUỐC TUẤN mới tha cho và bảo rằng : Sau khi ta chết , đậy nắp quan tài rồi mới cho QUỐC TẢNG vào .

    Sau khi HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG ra trấn giữ cửa Suốt , năm Trùng Hưng thứ tư ( 1288 ) quân Nguyên lại kéo quân sang xâm lược . HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG xin Triều đình lập công chuộc tội . Được chuẩn tấu , HƯNG NHƯỢNG VƯƠNG tiến quân , lập đồn ở Trắc châu , Huyện Thanh lâm . Trải qua ba ngày đêm , ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông bạch đằng và chiến thắng oanh liệt . Từ đó ông được cử làm Suất Ti Tuần Đại an , trấn giữ cửa bể Cửa suốt .


  12. Nói về Quảng Ninh còn có một câu chuyện cũng ly kỳ và hấp dẫn chẳng kém gì câu chuyện về sông Tô Lịch:

    Tại khu vực một ngọn đồi rất đẹp ( Có lẽ vị trí đẹp nhất khu vực Bãi cháy) có một quả đồi tròn trịa như một trái châu có diện tích khoảng độ gần 4 Ha. Tuy là vị trí đắc địa nhất của bãi cháy , nhưng hiện nay quả đồi này vẫn phải bỏ hoang phế . Lý do : Trước đã có 3 chủ đầu tư nhẩy vào sau quá trình tranh giành quyết liệt . Cả 3 Ông chủ lớn sau khi động thổ khởi công xây dựng tại quả đồi này đều lăn đùng ra chết một cách khó hiểu sau một thời gian rất ngắn . Thời gian sau này , nhiều người cũng hăm he muốn nhẩy vào , nhưng vì sợ chết nên không dám , quả đồi hiện nay vẫn để không trước cặp mắt thèm thuồng của biết bao người .

    ĐÂY CHÍNH LÀ HÌNH ẢNH QUẢ ĐỒI MÀ NGƯỜI TA ĐẶT TÊN LÀ ĐỒI CHẾT TẠI BÃI CHÁY .

    Lạ là khi chụp ảnh bằng máy khá tốt , tất cả gần chục bức hình đều mờ tịt

    93_1171131261.jpg


  13. Có một cách vớt vát cuối cùng, bác N6310i có thể kiểm tra trước khi cài lại ACAD.

    Bác xem file acmatch.arx có nằm trên thư mục gốc của AutoCAD không? Nếu có bác thử dùng lệnh appload để load file này lên.

     

    Bác thử dùng lại lệnh matchprop, Nếu ok bác chỉ việc vào tools > options > Open and Save > ObjectARX Applications rồi chuyển Demand load ObjectARX apps: về Object detect and command invoke là xong.

    Ok rồi! đúng là trùm cadviet. Cảm ơn anh em nhiều!

    • Vote tăng 1

  14. khi muốn save as và open mình ko mở đuợc hộp thoại mà chỉ hiện ra enter name of drawing to open:...

    phải đánh đường dẫn thì mới open hoặc save được. nhờ các bạn giúp mình chỉnh lại cho mở hộp thoại được bình thường.

    _thêm một lỗi nữa là mình dùng matchprop thì hiện ra câu('_matchprop Unknown command "MATCHPROP". Press F1 for help.)và ko dùng đươc. bạn nào biết chỉ mình với


  15. Xôm quá đâu đâu cũng Thánh vật sông Tô Lịch mới đọc thêm phần này post cho thêm phần phong phú:

    Bên lề về cọc trấn yểm sông Tô Lịch - phần 1

    Là gì thì chưa thể biết rõ ràng được.

    Nhưng chắc chắn đây không phải là Thánh Vật như cái tít bài báo trên.

    Trận Bát Quái Tiên Thiên Đồ được sắp xếp để trấn long hãm địa như vậy mà lại dùng đến lối trấn ác độc mức cao nhất của Phong Thủy rõ ràng là hành động tàn ác phi nhân tính,không thể gọi là Thánh Vật được.

    Theo như cách trấn long tàn độc này thì trong Huyền Không học có ghi rõ,cần 8 cái trụ để lập trận, chôn sống theo nó là 8 người con trai(tráng nam) khỏe mạnh,8 người con gái trinh tiết(đồng trinh) và 8 đứa trẻ con(đồng tử) để dùng oán khí cộng hưởng của họ tạo thành bức tường bảo vệ trận. Về cơ bản đây là lối trấn mạnh mẽ nhất và cũng là tàn ác nhất.

    Nếu như bài báo ghi là đã trục vớt được 7 cái cọc, tôi nghĩ vẫn còn sót 1 cái. Việc nhổ cọc và làm thoát tà khí-oán khí tích tụ hàng trăm năm khiến người xung quanh bị ảnh hưởng là chuyện dễ hiểu. Nhưng đã chôn cất hài cốt,làm lễ siêu độ rồi mà vẫn còn ảnh hưởng mạnh đến vậy có lẽ không hẳn trong đó chỉ có oan hồn không siêu thoát, hoặc là cách trấn ác độc này gìm giữ không cho các linh hồn siêu thoát, hoặc là trên chúng có diêm thần,diêm tướng chỉ huy nên việc phá trận là rất nguy hiểm với người phá trận.

     

     

    Việc Thủ tọa Thích Viên Thành muốn hàn lại long mạch và phải hóa, có lẽ một phần do ý của thầy. Tôi vẫn nhớ hồi đó tôi đi theo chân sư phụ dạy Pháp cho tôi là Đại Đức Cổ Vân, theo đoàn của Thầy Thích Thanh Từ của phái Trúc Lâm lên Chùa Hương bởi lúc đó Thầy Thanh Từ và sư Ni Toan(sư Ni tu tại gia nhưng rất giỏi) gặp nhau có xem thiên tượng và tính ra được quẻ đại hung với thầy Thích Viên Thành nên lên Chùa Hương để giúp giải hạn. Thầy Thích Thanh Từ nói rằng sư thầy trụ trì chùa Hương cần lập đàn tràng cầu siêu,thỉnh 100 vị sư giỏi các nơi đến cùng làm lễ trong 49 ngày thì may ra mới giữ được tính mạng. Thầy Thích Viên Thành đã từ chối và nói sống chết có số, không nên vì cái nhục thân của mình mà làm khổ đến người khác phải lao tâm, cái chết cũng chỉ là 1 cách giải thoát để tới thế giới cực lạc. Thầy tự biết mình hết số và cũng không muốn xin kéo dài thêm dương thọ. Vì vậy sau đó thầy Thích Thanh Từ đã về lại Trúc Lâm dẫn 9 đại đệ tử lên núi nhập thất. Một thời gian sau, thầy Thích Viên Thành quả nhiên mất thật,trước lúc hóa,có nói nguyên nhân hóa của mình là vì không đủ sức mà vẫn cố phá giải trận Bát Quái Tiên Thiên Đồ trấn theo lối Thiên Môn ác độc kia.

    Tôi thì không rõ nguyên nhân vì học vấn của mình về lý số và phong thủy rất nông cạn, nhưng tôi nhớ sư phụ tôi có lần nói lại rằng, sư phụ của thầy(thầy Thích Thanh Từ) có nói chuyện Thầy Thích Viên Thành mất vì cách thầy muốn hàn lại long mạch là sai,và sức của thầy cũng không đủ để phá trận nhưng vì giữ danh tiếng bản thân(là bậc thầy phong thủy trong chuyện hàn long mạch) nên vẫn cố thực hiện và kết quả dẫn đến vong thân.Khi tự biết hết số lại không muốn phải xuống nước nhờ vả người khác giúp mình nên tự chấp nhận xuôi tay,như vậy chưa dứt được hết trần tục.

    Còn quan điểm của riêng tôi là không nên phá trận, bởi trận lập đã nhiều năm oán khí chất chồng giải không hết được.Dòng sông và long mạch cũng đã bé lại thành 1 cái cống thoát nước,dẫu hàn lại thì có được lợi ích bao nhiêu ? Giả như 1 đoạn sông khác bị lập trận trấn vào mắt rồng ,tạo thành thế Độc Nhãn Long(1 thế trấn ác độc nhằm hủy hoại long mạch) thì khi sống lại,con rồng lại thành tà ác quấy phá có khi lại làm hại hơn.

    Thế đất Hà Nội là thế đất trũng,địa tầng địa chất kém,việc trấn sông làm con rồng chết cứng không thể vẫy vùng có thể cũng là 1 cách tốt làm cho đất cứng lại tiện cho xây dựng,nếu phá đi,thế đất sẽ xấu đi và hạ tầng đất sẽ bị lún,sạt lở khi long mạch chuyển động. Như vậy việc xây dựng và phát triển hóa đô thị còn tồi tệ hơn.

    Cách giải quyết ổn thỏa,tạm thời tôi không nghĩ được ra và cũng nhiều người vẫn đau đầu về vấn đề này. Nhưng hy vọng trong thời gian tới,sẽ có người tìm ra được câu trả lời thỏa đáng.

     

    (tiếp tục)

     

    Trận đồ trấn trên sông Tô Lịch thuộc về huyền cơ cao nhất của phong thủy phái Huyền Không. Cách phá giải trận là tìm ra điểm yếu của trận để phá trận. Người làm được điều này phải là người có kiến thức uyên thâm về Phong thủy am hiểu cả 2 phái Bát trạch và Hình thế.

    Những nhà ngoại cảm bạn đề cập trên phần lớn những người chức vị và tài năng cao nhất đều đã tham dự cuộc họp để làm sáng tỏ vấn đề này và họ đều đã lắc đầu không giải thích được, bởi đơn giản đó không phải là sở trường của họ. Tôi rất khâm phục tài năng của chị Bích Hằng và gia đình đã được chị giúp tìm mộ như một huyền thoại, nhưng trong vấn đề này, tôi nghĩ chị không có khả năng. Thậm chí, nếu cố làm điều ngược với thiên ý thì bản thân sẽ mắc họa như chơi.

    Như tôi đã nói trên kia, đầu tiền là việc phá trận không biết đã có ai đủ tài làm hay chưa,phá trận rồi thì sẽ mang lại kết quả gì. Theo như sách vở để lại thì Hà Nội được bao bọc trong hệ thống các sông, ngọn núi khởi nguồn của long mạch Việt Nam(Tổ Long Sơn) là khu vực núi Tản Viên-Ba Vì,như vật Long Mạch của hệ thống sông Tô Lịch sẽ chạy từ núi Tản Viên dọc theo hình thế xuống đến Hà Nội và thể hình trong con sông Tô Lịch. Do thế đất trũng và hạ tầng đất yếu, việc xây dựng rất khó khăn vì móng không chắc chắn(bác nào học về xây dựng chắc biết vấn đề thoát nước và móng của Hà Nội phức tạp thế nào). Có lẽ do đó để xây dựng, 1 bậc đại tôn sư về dịch lý phong thủy đã dùng cách lập trận này để ép đất cứng hơn bằng cách trấn long bằng Bát Quái Tiên Thiên Đồ. Làm con rồng không cựa được và bị giam cứng trong đất, như vậy đất sẽ cứng hơn và xây dựng dễ dàng hơn. Nếu như mở lại long huyệt, tất nhiên long khí sẽ được khai mở,nhưng con rồng bị giam lâu năm chưa chắc đã là vượng khí,thậm chí có khi còn thành tà khí. Nhưng điều quan trọng và nguy hiểm hơn khi mở huyệt sẽ dễ dấn đến động đất khi rồng hồi sinh,chuyển động của nó có thể làm suy chuyển và biến đổi cơ cấu hạ tầng đất,làm giảm độ cứng của nền móng và làm đất đai không vững chãi như trước. Nếu như vậy thì việc xây dựng và phát triển đô thị e rằng còn khó khăn hơn.

    Trận đồ Bát quái hiện tại không giải được vì đồ hình và yếu quyết của nó hiện nay đã thất truyền, nó cũng tương tự thạch trận Khổng Minh dùng đá xếp để cầm chân quân Ngô trong Tam Quốc. Việc hóa giải vô cùng phức tạp bởi không ai còn biết chính xác vị trí các phương vị và xắp xếp quẻ trong trận này, nếu như giải nhầm 1 bước mà lỡ chân đi vào hướng Tử thì khó mà bình yên trở về. Việc này các nhà ngoại cảm không thể làm được,bởi các tà khí do các xác chết tụ hợp thành đã làm cho họ không thể có khả năng liên lạc được với cõi âm. Nơi nào mà la bàn phong thủy không thể xác định được vị trí phương hướng và điểm trung cung(rất hiếm) thì nơi đó là nơi được gọi là nơikhông thuộc trời, cũng không thuộc đất.

    Để giải quyết vấn đề này, có lẽ cách thích hợp nhất là làm 1 cuộc họp mặt các nhà phong thủy danh tiếng các nơi cùng ngồi bàn nhau tìm cách phá trận hoặc tìm cách giải quyết. Biết đâu ai đó còn giữ lại được đồ hình chi tiết của trận pháp huyền thoại Bát Quái Tiên Thiên đồ,hay trong Huyền Không học còn gọi là Bát Quái Thiên Môn trận.

    Nếu có 1 cuộc họp như vậy, nhất định tôi sẽ theo dõi nó thật sắt sao.


  16. Hiện mình đang bắt đầu làm quen với 3DMAX,rất mong các bạn chỉ zùm 2 vấn đề sau:

    1-Bạn nào có tài liệu gì liên quan đến 3D max thì chỉ cho mình với!

    2- Mình cần 1 nơi học MAX hiệu quả cao, nghe nói có thầy gì (hình như là thắng béo) ở phố đội cấn hay đội nhân gì đó,...??? ai biết rõ tung tích thầy này chỉ cho mình với!

    Bạn vòng ra đằng sau Viện NCKT 389 Đội cứn là phố Đội Nhân đi sâu vào trong ngõ hỏi anh thắng tài dậu dạy đồ hoạ ai cũng biết mà.

    • Vote tăng 1

  17. Đồ án đẹp đấy nhưng theo tớ thấy còn vài chỗ chưa ổn lắm:

    -Về không gian kết thúc của hành lang hơi đột ngột cảm giác chưa sâu, chưa đủ sướng. Các tủ trưng bày bên dưới tạo khoảng cách hơi xa so với tranh cho người đứng xem(phía bên phải pc), hình thức cột gỗ có vẻ ổn nhưng lại hơi bại ở phần đế vì nếu là kiến trúc cột gỗ bao giờ phần đế cũng được tách biệt với sàn bởi chân tảng mang chất liệu khác như đá chẳng hạn..,

    -Về Ánh sáng đang loạn giữa đèn trần, đèn chiếu tranh và đèn hắt trên mái xuống. Có thể sử dụng ánh sáng tại khe có nan gỗ chạy hai bên như 2 rãnh sáng mờ sau đó nhấn mạnh tại vị trí các hiện vật.

    Mới xem qua có vài nhận xét vậy (ở đây ko bàn đến kỹ thuật render ).

×